Ở lâu dưới nắng Sài Gòn, nhiều khi tôi quên mất ngoài Bắc tiết trời đang đón mùa xuân. Xuân trên rẻo cao vẫn lạnh lắm, đêm đêm có khi xuống 11-12C, phải đắp chăn bông quấn quanh thân mình mới ngủ được, sáng sớm mở cửa hiên nhà sương mù bay òa vào mặt, vào người chợt rung mình trước cơn lạnh bất ngờ. Ban trưa, mặt trời vươn cao dần, có hôm mây phủ, có hôm nắng vàng sưởi ấm lòng người, yêu đời rạng rỡ, hân hoan lạ kì. Mùa hái chè sắp đến rồi, đầu tháng ba, búp trà nhú dần, hấp hé ló ra từng lá xanh non mơn mởn sau nhiều tháng ngủ đông ấp ủ tinh hoa đất trời. Chúng ta sống nơi đô thị làm việc lịch trình cố định hay ca kíp hàng ngày. Tôi chợt nhớ tới những người bạn làm trà Tây Bắc của mình, tự hỏi giờ này họ làm gì nhỉ, cuộc sống có gì vui, bận rộn không? Tôi gọi điện hỏi thăm vài người, xin chia sẻ với bạn nhé.

Mộc Châu có một xưởng trà gia đình sản xuất trà Oolong theo quy mô nhỏ, chăm chút sản phẩm kỹ lưỡng. Công nhân được phân công các hạng mục làm việc cho kịp thời gian sản xuất oolong khai xuân đầu tiên trong năm. Từ cuối tháng 2, bắt đầu bón phân hữu cơ, chăm sóc tỉa cành giúp cây khỏe mạnh, sau đó luân phiên cắt cỏ khắp cánh đồng Nhóm công nhân khác tranh thủ vệ sinh nhà xưởng, kiểm tra máy móc, bảo dưỡng vận hành trơn tru trước lúc vào mùa. Khuất dưới gần hồ nước, gần cuối cánh đồng là chuồng gà, chuồng lợn tăng gia sản xuất, phục vụ công nhân nhà xưởng ăn uống chất lượng hơn. Tiếng éc éc, quang quác lâu lâu nghe thật vui tai. Xa xa những cây đào mới nảy quả, những cây mận bung hoa trắng đan xen luống trà trải dài bất tận vẽ lên một bức tranh ảo diệu đầy mộng mơ và yên bình.

Tạm biệt Mộc Châu, Sơn La, tôi rẽ trái qua vùng chè cổ thụ Tủa Chùa, Điện Biên. Nghe bảo bà con đã đi cấy lúa, bởi nhiều vùng xứ Tây Bắc này đa phần chỉ làm một vụ lúa trong năm, đủ ăn cho một gia đình. Có nơi núi đá cọc cằn, không đủ đất mềm gieo cấy, người dân chỉ trồng ngô xen kẽ rau quả và dĩ nhiên họ sẽ ăn “mèn mén” là ngô xay nhuyễn thay cơm trắng. Thú thực, tôi đã thử món này, lúc ăn âm thanh đũa gõ vào thành bát liên hồi hết từ người này đến người khác để rũ sạch bột ngô bám đũa trước gắp thức ăn gâyấn tượng nhất, lấy đũa xúc là nó rơi xuống tả tơi, vị lạ lạ khó hiểu, dù cố gắng nhưng tôi thấy ăn cơm trắng quả dễ dàng hơn “mèn mén” rất nhiều.

Từ Điện Biên hướng đi Lào Cai gặp Mường Khương, đây là vùng nguyên liệu trà Purple Rain tuyệt vời của tôi, cũng là vùng đất tốn công sức rất nhiều qua hết drama này gặp drama khác, bao lần con tim muốn rụng rơi theo chú H’Mong hồn nhiên, đáng yêu. Và mỗi cuộc gọi cho chú cũng lên xuống như thường:
-
-
- Alo, alo, alo, nghe được không chú?
- Nghe được, Ngọc à?
- Chú đang làm gì đấy? Sao ồn thế?
- Đang đi chợ Ngọc ơi
- Đi chợ làm gì chú? Sao tối qua gọi không được chú?
- Uhm, tối qua ngủ sớm, uống rượu đấy
- Suốt ngày rượu,uống lắm thế
- Không lắm đâu, uống bình thường mà.
-
Là thế đó, chú kể tôi nhịp sống mới đây, cả nhà chú với sự giúp đỡ nhiệt tình của con cháu, hàng xóm láng giềng cũng đã hoàn thành việc tra ngô. Vùng cao nơi đây, bà con vẫn làm thủ công nhiều lắm, tới vụ thu hoạch sức người của một gia đình làm không xuể, cần lắm sự trợ giúp của mọi người xung quanh. Cứ như vậy, họ lần lượt làm nhà này tới nhà kia phụ nhau vui vẻ. Đây cũng là một nguyên nhân tại sao người đồng bào sống trong cộng đồng rất chan hòa, tương trợ lẫn nhau, vô cùng hiếm hoi xảy ra mâu thuẫn, họ sống thật thà, trung thực trên nền tảng lợi ích chung lâu dài. Tôi học mãi đức tính chan hòa của người đồng bào mà thấy vẫn khó, chẳng dễ tẹo nào. À tiếp tục, sau khi tra ngô, nhà chú sẽ trồng sắn (hay còn gọi khoai mì trong Nam), lúa thì từ từ qua tháng tính tiếp. Riêng chú được biệt phái đi chăn 4 con trâu lên rừng, len xuống ven núi chân thủy điện tìm những luống cỏ ngon nhất vỗ đầy cái bụng.

Ngay ở Lao Cai, tôi liên hệ tiếp với mấy đồng chí Dao đỏ ở đất Y Tí cao ngút mù trời. Sao đã thấy có tiếng chén anh chén em cành cạch hấp dẫn thế nhỉ? Hóa ra là 4 người đàn ông từ 20-61 tuổi đang quay quẩn bên bếp lửa tâm sự nhẹ cuộc sống. Tôi hỏi:
-
-
- Sao uống rượu sớm thế anh?
- 11h rồi, trưa rồi.
- Uống rượu với món gì anh ơi?
- Hôm qua thằng Lở đi lên rừng bắt được 2 con chim, thế là mấy anh em chú cháu nướng chim, uống rượu thôi.
- Anh không đi làm gì hả?
- Chưa có gì đâu, ngồi chơi thôi. Mấy hôm nữa mới đi cấy
-
Tôi vặn vẹo:
-
-
- Sao không làm gì mà giàu thế?
- Cũng không biết được nữa, thì cứ làm thôi
-
Ôi, giá mà giờ tôi có mặt ở Y Tí, cạch cạch với các anh thì lâng lâng biết mấy. Nói vui vậy, sau cuộc nhậu, tôi có bàn với mấy anh em một kế hoạch lơn lớn về vụ trà năm nay. Hồi hộp lắm nên cần chuẩn bị chút chút, tới ngày đẹp, trà đủ lớn là làm liền. Bạn đợi nha.

Gác lại hơi men Lào Cai, hướng tới Lũng Phìn, Hà Giang xem chị gái H’Mong trắng của tôi đang làm gì? Chị kể chị mới tra ngô, trồng xen kẽ đậu xị, rau cải. Tất thảy là 2ha. Ui trời, 2ha tưởng rộng nhưng đất Lũng Phìn thuộc cao nguyên Đồng Văn chằng chịt đá tai mèo khắp nơi, lâu lắm mới có chút chút đất mềm ngô mọc được, sản lượng thu hoạch cũng không đáng là bao. Ngày ngày người phụ nữ này đi cắt cỏ cho bò ăn, nấu cám cho đàn lợn, thảy ngô cho gà vịt. Và việc rất quan trọng là nhổ cỏ quanh những gốc cây chè cho xuân tới chè đơm lá khỏe hơn. Toàn đất đá, cây chè thân trắng nhìn khô khốc như những chiến binh quả cảm hút sâu chút nước hiếm hoi và khoáng chất trong đá tai mèo vươn lên sống mãnh liệt. Sẽ không thấy lá xanh phủ kín cây như nhiều vùng trà khác, là thân cây gầy guộc ôm lấy lá nhỏ xinh. Bởi vậy, chị gái H’Mong chắt chiu từng chiếc lá, búp non, chị thương cây chè, chị chăm chút, chị nhìn cây chè nở nụ cười trên môi, mang những hy vọng dung dị chắp cánh xa xôi.
Chúng tôi, mỗi người một phương, chung một vài chí hướng, đang chuẩn bị cho mùa trà xuân này, với mong mỏi thời tiết thuận hòa, mọi sự ổn định, đừng biến động, để bà con hái lá chè, bán lá tươi, làm trà, tạo nên thành phẩm ngon hơn, ấm hơn.