CÚ VA CHẠM LỊCH SỬ TRIỆU TRIỆU NĂM

Cây chè (trà) từ đâu mà tới? Từ vùng đất thánh nào hay một vị thần ngẫu hứng thổi phép hóa nên? Không. Chính xác là tự nhiên tạo nên mọi thứ và tự nhiên có thể sẽ lấy đi mọi thứ. Hôm nay, tôi muốn chia sẻ một sự kiện thú vị trong bài này, tiền đề dẫn đến sự có mặt một kỳ tích những cây chè tuyệt vời trên hành tinh

Nếu bạn biết tới thuyết trôi dạt lục địa.

100 triệu năm trước

100 triệu năm trước, Trái Đất có 2 siêu lục địa phân tách nhau khá rõ ràng. Laurasia ở bán cầu phía Bắc bao gồm Việt Nam hiện nay thuộc mảng Á Âu và mảng Ấn Độ, Úc thuộc siêu lục địa Gondwana ở bán cầu phía Nam.

80 triệu năm trước

Trong 50 triệu năm tiếp theo, mảng Ấn Độ và mảng Úc tách ra khỏi Gondwana, Mảng Ấn theo hướng Bắc nhắm thẳng vào mảng Á Âu lao đến với tốc độ nhanh đáng kinh ngạc, Úc theo hướng Đông Bắc điềm tĩnh hơn.

50 triệu năm trước

45 – 50 triệu năm trước, sau một khoảng chạy nước rút, không hề mệt mỏi, không thắng phanh nào cản nổi, mảng Ấn Độ đâm xầm vào mảng Á Âu sừng sững, to lớn đứng đó hiên ngang đón nhận. Rầm, rầm! Kinh hoàng! Chấn động địa cầu. Phải tua nhanh chúng ta mới thấy thước phim dữ dội ấy.

Lịch sử dãy Himalaya huyền thoại, huy hoàng bắt đầu từ đây trải dài 50 triệu năm. Hai mảng lục địa va chạm mạnh mẽ không khoan nhượng. Khu  vực tiếp giáp giữa 2 mảng này địa chất toàn đá cứng nên không bên nào chịu nhún nhường. Tiếp đó mảng Ấn Độ chưa dừng lại, lấn sâu vào trong đất liền. Rìa Bắc mảng Ấn Độ chui xuống phần cứng mảng Á Âu đẩy lên cao. Vỏ Trái Đất lồi lên, từng thớ đá, tảng đá ùn ùn leo thang dâng lên như hàng triệu quân lính tăng cường viện trợ liên tục, lan rộng khắp mọi nơi. Nhìn chếch phải là cao nguyên Thanh Tạng – mái nhà thế giới, ngoảnh lại sau bên trái là Sikim, Nepal.

Việt Nam chúng ta lúc đó vị trí khác xa bây giờ, dải chữ S quay trục ngang, miền Bắc nằm hướng Tây, miền Nam nằm hướng Đông. Miền Nam theo chuỗi phản ứng liên lục địa sau cú húc mạnh xoay theo chiều kim đồng hồ dần xuống hướng phía Nam. Một phần Phillipin lại gần hướng Đông Nam Á ngày nay hơn.

Hai mảng lục địa vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ùn ùn đẩy nhau lên cao, lên cao mãi, lên tới nóc nhà  thế giới Everest. Từ đó thả tầm mắt bao quanh chỉ thấy núi non hùng vĩ, sừng sững trải dài mãi mãi không bao giờ thấy đường chân trời, miên man băng tuyết trắng trời lạnh giá. Nếu như cánh tay ta như siêu cánh chim bay thỏa thích từ dải Ấn Độ xuyên qua tới Thanh Tạng chắc sẽ rụng cánh lả đi mất thôi, bay mờ mắt bay sao nổi đây. Himalaya rộng lớn, bí ẩn, vĩ đại thăm thẳm.

Cú va chạm lịch sử kéo dài 50 triệu năm kết hợp yếu tố quan trọng là Nam Úc tách rời hẳn Nam Cực đã tác động to lớn tới cả Trái Đất của chúng ta. Thay đổi dòng chảy đại dương, tăng lượng oxy trong đại dương, thay đổi hướng gió, lượng mưa biến đổi. Mọi thứ không còn như xưa, như 100 triệu năm trước. Suốt quá trình, động vật lẫn thực vật từ hai lục địa giao thoa, òa vào nhau, phối ngẫu phát triển. Có nhiều loài cây, con vật tuyệt chủng vĩnh viễn, cũng có rất nhiều loài tiến hóa thích nghi môi trường mới, cũng có nhiều gương mặt sáng giá mới xuất hiện.

Hiện nay

Thuyết được nhiều nhà khoa học nghiên cứu uy tín ủng hộ rằng cây chè lá lớn Assamica sinensis  xuất hiện trước tiên. Từ chân dãy Himalaya trải dài xuống Đông Nam Á, hình thành địa hình lý tưởng cho cây chè này xuất hiện và sinh trưởng. Độ cao 1000-2500m so với mực nước biển, nhiệt độ thấp, không băng tuyết, không quá cao từ, lý tưởng ngưỡng 13C-28C, đất đá dễ thoát nước, đất tốt giàu mùn chứa nhiều thành phần hữu cơ, khí hậu 4 mùa cân đối không quá khắc nghiệt. Chính trong khu vực này, tại điểm vàng giữa Xishuangbana giáp Bắc Myanmar với bắc Lào được cho là khu vực cây chè xuất hiện đầu tiên trên Trái Đất. Khi đó chưa có khái niệm ranh giới quốc gia, nhuốm màu kinh tế, sắc tộc, chính trị. Sau triệu năm tiến hóa, hạt chè rụng xuống mọc lên cây mới, lặp lại chu kỳ ấy từ từ lan rộng dần.

Điểm vàng hình thành và khu vực lan rộng cây chè

23.000 năm trước, qua nhiều khảo sát, phân tách DNA chứng minh cây chè chính thức phân tách thành 2 giống chủng lớn: cây chè lá to (Camellia sinensis var. assamica) và cây chè lá nhỏ (Camellia sinensis var. sinensis) thông qua quá trình lan rộng, bản địa hóa thích ứng với môi trường khác biệt mới. Loài người trở nên thông minh hơn, những tộc người thiểu số bắt đầu sử dụng cây chè với mục đích khác nhau, họ đem hạt giống theo cuộc sống du canh, du cư qua nhiều thế hệ lan rộng theo nhiều hướng qua phía Nam Trung Quốc, men xuôi dòng chảy Mekong sâu vào Myanmar, Lào, xuống Thái Lan, đồng thời hắt qua Tây Bắc tràn mé Đông Bắc Việt Nam, theo một cách tự nhiên, trước khi lan rộng khắp thế giới trở thành một ngành công nghiệp thế mạnh.

Tương lai

Theo dòng chảy triệu triệu năm, mảng lục địa chưa ngừng nghỉ, vẫn tiếp tục lộ trình liên tục của mình. Mảng Úc điềm tĩnh theo hướng Đông Bắc gom Nhật Bản chạm Hàn sáp nhập vào Trung Quốc và Đông Nam Á, biển Đông thành biển nhỏ không còn là đại dương sau 50 triệu năm nữa. Cây chè sẽ tuyệt chủng, trước đó. Sau 75 triệu năm, toàn bộ bo lại nguyên khối, đất gặp đất, biển Đông biến mất. Việt Nam bé xíu co lại. Khí hậu thay đổi ghê gớm. Sau 225 triệu năm, 1 siêu lục địa khổng lồ hình thành, thời kỳ băng hà khủng khiếp xảy ra khắp nơi. Loài người tuyệt chủng.

Có một thực tế không thể chối cãi là không cần đợi lâu đến thế. Nếu tiếp tục cách sống – sản xuất như hiện tại không có sự điều chỉnh trước những biến đổi khí hậu nghiêm trọng trên hành tinh cộng với sự ô nhiễm rác thải. Con người chính thức bị xóa sổ trong vòng 150 năm tới . Sau đó hành tinh sẽ nhẹ nhàng tái tạo lại một cách tươi đẹp, không cần tới loài người. Tất nhiên các mảng lục địa vẫn mỉm cười chuyển động.

ĐƯỜNG ĐẾN TỚI TRÀ XANH BAMBOO DREAM

Rất tình cờ, không hề chủ đích, tôi tìm ra và đặt loại trà đặc biệt này vào bộ sưu tập Trà Xanh Hatvala.

Năm 2011, chuyến đi đầu tiên của tôi đi Hà Giang hướng tới Thượng Sơn, Vị Xuyên.  10 năm trước, Hà Giang khác bây giờ nhiều, Thượng Sơn là nơi nào đó heo hút, tận cùng trời, không mấy ai ghé thăm. Từ quốc lộ rẽ đường lên cheo vẻo rải đá trong mùa mưa trồi sụt, nhấp nhô. Xe khách không, du lịch tiện ích chưa phát triển, tôi lân la hỏi xin đi nhờ xe máy hai chị giáo viên cấp 2 từ sáng sớm. Dọc đường ngồi sau chị gái, người xóc long sòng sọc ngả nghiêng theo từng ngã rẽ, tội nghiệp chị, thấy chị muốn oằn cái tay luôn.

Năm ấy, tôi 23 tuổi, một trong những lần đầu tiên tranh thủ tuần phép ngắn ngủi từ Hà Nội ngược 1-2 vùng trà rừng núi tìm hiểu ban đầu, phương tiện phụ thuộc, một mình lang thang tự dò dẫm, đôi chút hoang mang không biết bắt đầu từ đâu, đêm nay ngủ chỗ nào, với ai, đều lựa tình hình nương trú an toàn.

Dừng ở trung tâm xã, lang thang rảo bộ hỏi thăm được một hộ gia đình làm trà, tôi nhanh chóng tìm tới, lòng đầy hứng khởi vui mừng. Vợ chồng anh chị làm trà rất cởi mở, thân thiện, trả lời mọi thắc mắc của tôi về cuộc sống, công việc, thu hoạch, quy trình, chủng loại, so sánh … nói chung là mọi thứ tôi có thể nghĩ ra vào lúc ấy. Tôi ở lại nhà anh chị xem trực tiếp công việc chế biến chè xanh, chè vàng, ngủ cùng con gái hai anh chị, cô bé rất đáng yêu, dẫn tôi đi chơi khi nghỉ ngơi, gặp người này người kia. Ở Thượng Sơn hồi ấy không có nhiều người làm trà như bây giờ, phần lớn phơi chè vàng bán rẻ đi Trung Quốc. Hỏi nghe nói đi lên cao hơn tầm 8-10km có ông cụ làm chè xanh ngon lắm, vâng chính xác là đường rừng chứ không phải như thành thị chúng ta đi đâu, mùa mưa có thể mất 3-4 tiếng mới xong. Sâu vào thêm tôi có cảm giác như đi vào rừng già, thoáng chút hốt hoảng trong lòng, gặng hỏi có xe ôm không, không. Ráng đứng bên đường hy vọng có ai rượt qua xin ké, cũng đâu ai tiềm năng. Liều lĩnh lúc này không hẳn là ý hay, tôi quyết định quay về huyện sau khi xin liên hệ, mẫu chè đầy đủ hai anh chị kể trên. Lại sau xe máy giáo viên trên này về nhà, được cái lần về là anh giáo viên tay lái cứng hơn, thảnh thơi ngắm núi non.

Qua nhiều năm, trải qua nhiều chặng đường khác nhau, tận 2018 tôi quyết định trở lại vùng đất này, tìm cho mình những điều dang dở. Cơ sở hạ tầng tốt lên nhiều, đường dải bê tông có thể đánh lái xe trong đêm, có điều mùa mưa vẫn chồi sụt, đi bộ dắt xe máy như thường. Liên tiếp 2018-2019-2020 tôi lên đây với mục tiêu ban đầu là Phổ Nhĩ Sống dẫn dắt qua Trà Trắng Chồi Xuân tuyệt hảo. Xét về điều kiện tự nhiên Thượng Sơn nối lên đỉnh Tây Côn Lĩnh cao nhất Hà Giang, càng lên cao lại có những khu trà lên lỏi kín đáo phủ thấm màn sương giăng phủ quanh năm, số lượng cây lớn, già khá đồng đều, một số cây to lớn rất “cổ thụ”, nội chất mạnh mẽ, bền một cách vững vàng. Tự nhiên ưu đãi quá tốt, cái còn lại là bàn tay con người, ở đây tôi thấy nhiều người có kinh nghiệm về các loại trà, chịu khó, hay hơn là cầu tiến, nhiệt thành. Một buổi chiều tháng 4/2020, đang thăm vùng trà nguyên liệu của anh bạn làm trà, thong thả tôi chợt hỏi anh về trà xanh nơi đây, vậy là hướng mới đi thăm họ ngay trước khi tối trời quá muộn. Ghé 3 nhà, nhưng ở đây tôi chỉ tập trung vào nơi ấn tượng ngay từ những cái ban đầu. Xa xa ngôi nhà gỗ cheo leo một nửa bên trong ngả áp sườn núi, nửa bên ngoài đỡ trên những cột trụ đóng thoải xuống theo thế núi, cách con đường làng men theo lối nhỏ trái tầm 30m. Bước vào là hiên nhà hẹp kéo dài, qua vách ngăn là gian nhà lớn chạy song song. Khi ấy, gần 5h rồi, trời nhá nhem tối, đèn chưa bật, duy nhất ánh sáng hắt qua khung cửa sổ tỏa nhẹ không gian mờ chiều, quây quần quanh bàn là 3-4 người đàn ông vừa nói chuyện nhẹ nhàng vừa uống trà. Bàn trà đơn giản đặt cạnh tường gỗ ngay ô cửa sổ nhìn ra thung lũng rộng lớn, mang phong cách riêng, không phải làm từ gỗ quý đắt tiền, mà thiết kế có ý đồ cho người uống trà tiện sử dụng. Trên cùng là mặt bàn trà, dưới phía tay trái có một vách ngăn dọc vừa vặn phích nước nóng, qua bên phải chia làm 2 tầng kéo dài, kệ trên để khay ấm chén pha trà và hũ trà nắp chặt giữ hương, kệ dưới tôi quên mất để gì rồi, nhưng cơ bản là có lý lắm. Lúc chúng tôi ngồi xuống, chú chủ nhà khoảng 50 tuổi lấy 2 chén mới ra, tráng nước nóng cẩn thận mới rót trà ra. Tôi liếc mắt nhanh, chén trà rất sạch, ko lẫn mùi tạp, quay ra cười, nói nhẹ anh bạn: “uống nhé anh”.

Uống xong một hớp, hứng thú tôi hỏi chú:

Ai làm cái bàn này hả chú?

Nhà chú tự làm thôi, kiếm gỗ về đóng.

Có ai chỉ chú cách đóng bố trí như này không?

Không, để sao cho gọn dễ dùng thôi.

Để cho dễ dàng, một người đồng bào có bao giờ xuống núi đàm đạo trà lại sáng tạo như vậy thì cháu nể chú lắm luôn.

Ngồi uống trà của chú, ngon thật, mãi sau nhạt bớt tôi xin phép tự pha, chú đồng ý liền. Ồ, ngon thật ngon, tôi pha theo cách của mình, bóc lớp hương nhẹ rồi đậm, rồi nhạt, rồi kéo dài xem độ bền mấy lượt. Rất xanh, ngọt nhẹ, sóng sánh khoang miệng, đặc trưng hương vị cổ thụ, giữa mạ non, đậu cove, cỏ lá nền nã mà đằm sâu, hướng tới cân bằng không thiên gằn mạnh, khúc khuỷu. Sự phấn khích từ người đàn ông này, sự hấp dẫn từ loại trà này tăng dần, tôi ướm hỏi đi thăm khu chế biến trà của chú. Đi liền, qua gian sinh hoạt chung lớn của gia đình dọc theo chiều dài ngôi nhà tới một khu lớn vừa, 2 cánh cửa so le tạo độ thoát gió gian phòng. Nếu không nhầm, có 4 bom quay cỡ nhỏ, quanh nền đất tráng men bóng sạch, khi sao trà bắt buộc trải bạt lên, đi dép riêng, nền nhà lau sạch hàng ngày mùa trà, hoàn toàn sao củi già. Chú và 2-3 người con trai cứ tối qua thay nhau sao trà, không tham số lượng nhiều, chỉ mua lá chè tươi từ thôn cao nhất Thượng Sơn, làm một lượng nhất định trong ngày, không diệt men mẻ cuối quá 12h đêm giữ độ tươi – sống của lá chè. Giữa rừng thế này, người đàn ông có tiếng nói lớn nhất trong gia đình, quyết đoán ẩn trong vẻ hiền hòa, sức khỏe ngang trâu mà chú từ chối mở rộng quy mô, tăng sản lượng và thu nhập dù có thừa cơ hội. Chú thật sự đáng ngưỡng mộ! Lướt nhanh không gian làm việc, mọi thứ sắp xếp gọn gàng, dễ thao tác, bộ motor cải tiến hộp số và điều chỉnh thời gian kiểm soát hiệu quả cao. Thì đây, trước mặt tôi là một người vô cùng thông minh, biết mình đang làm gì, muốn gì, dừng ở đâu. Đó là một viên ngọc sáng trên núi rừng đại ngàn Tây Côn Lĩnh.

Suốt một năm trải nghiệm loại trà xanh thú vị này, rất ngon, sâu sắc, tuy nhiên tôi vẫn thưởng thức một mình, chia sẻ cùng vài người bạn. Bởi lưỡng lự mình đã có kha khá các loại trà xanh trên kệ và phiên bản hạn chế, liệu có quá nhiều khi thêm một loại nữa không. Sau cùng tôi thấy rõ ràng trà xanh Việt Nam hay lắm, rất khác, đầy đủ cá tính đa dạng, đủ sức mạnh khẳng định giá trị riêng của mình. Càng nhiều người nước ngoài chú ý tới trà Việt Nam hơn, dám thử loại trà khó nhằn này. Tại sao không đẩy trà xanh cho tới đi, cho thành một vòng hấp dẫn mạnh mẽ. Vì thế tôi quyết định gọi tên Bamboo Dream cho Trà Xanh Thượng Sơn, Hà Giang ngay xuân 2021, không thể chần chừ hơn.

Để biết thêm thông tin hay thử Bamboo Dream click ngay:

Việt Nam: https://hatvala.vn/products/tra-xanh-bamboo-dream

Quốc tế: https://hatvala.com/green-tea/bamboo-dream-green-tea