Để Có Một Chén Trà Ngon

“ Nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm” như một kim chỉ nam từ trước tới giờ cho những ai mến trà, muốn pha ra một chén trà ngon. Cùng nhìn nhận và phân tích các yếu tố này nhé.

Mỗi  người nhìn nhận trà dưới góc độ khác nhau. Phần nhiều đặc biệt ở phía Bắc nhiều người uống trà xanh như một thói quen thân thuộc dễ chịu dùng thay nước uống, có người uống cho vui miệng, có người cả một đời chỉ duy nhất một dòng trà có thể đắt rẻ khác nhau, cũng có người bỏ thời gian tâm sức tìm tòi nhiều loại khác nhau để phát hiện những trải nghiệm giá trị cho riêng mình. Tùy vào nền tảng, quan điểm về trà của từng cá nhân, điều kiện đầu tư vào trà và hệ sinh thái sản phẩm liên quan, mục đích hướng tới khi uống trà vì thế mà cách thức chơi trà, uống trà cũng vô cùng phong phú đa dạng. Trong chủ đề hôm nay, tôi muốn chia sẻ những yếu tố tạo nên một ly trà ngon theo quan điểm của bản thân. Người xưa đã đúc kết: “ Nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm”, tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này, trước tiên chúng ta phân tích một chút từng yếu tố nhé:

DSC_2374NƯỚC: hãy tưởng tượng nước là thực thế lớn nhất xoay chuyển hòa vào một lượng trà nhất định hút ra tinh túy, hương vị, phẩm chất của loại trà đó. Ngay bản thân nước không đã có thể nói lên được nước uống ngon hay dở ở độ sạch, độ ngọt ( tự nhiên hay bị ngọt hóa trong quá trình lọc), trong, không mùi tạp, khi uống vào dễ chịu, sảng khoái. Bạn đã từng thử nếm các mạch nước khác nhau từ trên núi đá chảy xuống hay uống trực tiếp nước giếng trong làng quê xa vùng công nghiệp? Dù có mệt mỏi, rã rời thì  vài hớp nước trên núi chảy  xuống hay trong giếng sạch cũng tiêu tan mọi cảm giác khó chịu ban đầu. Trước kia nước sông trong vắt, hiền hòa cũng có thể dùng làm nước uống trà, có điều với mật độ dân cư dày đặc như hiện nay, người ta từ quê ra thành thị đều tranh thủ xả thẳng nước thải ra sông, vậy nên rất khó tìm được con sông sạch lấy nước uống trà như người xưa vẫn nói. Lý tưởng là lựa chọn nguồn nước tươi mát trong tự nhiên, nếu ở thành phố thì chúng ta nên dùng các loại nước lọc (sạch) có độ PH trung tính, không có tính kiềm cao sẽ không biến đổi căn bản vị và hương của trà.

DSC_2342 (1)Bên lề review chút: dù chưa thử tất cả các loại nước lọc, nhưng tôi rất ưng nước “tinh khiết” Vĩnh Hảo ( không phải nước khoáng) vừa cây nhà lá vườn, vừa pha trà tuyệt vời. Song đôi khi máy móc cũng biết mệt, có đôi lần dùng vẫn một loại nước thương hiệu đáng tin cậy, giá cả như mọi ngày, ấm chén vẫn tinh tươm vậy mà pha ra mấy loại trà xanh cổ thụ, trà nào cũng như trà nào, uống tềnh tệch không phân biệt nổi quê quán xuất xứ của mỗi anh như mọi lần khác.

TRÀ: muốn ly trà ngon chắc chắn nền trà phải ngon rồi. Với người bắt đầu hay thậm chí người đã uống lâu đôi khi cũng không rõ trà ngon cụ thể như thế nào. Hãy tìm tới vườn trà, vùng nguyên liệu nếu có điều kiện hay cửa hàng cung cấp uy tín đáng tin cậy trao đổi, tìm ra những loại trà phù hợp với khẩu vị của riêng bạn. Loại trà đó khiến bạn dễ chịu, thỏa mái, thích thú theo thời gian. Và loại trà đó có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo độ sạch, thuần khiết không ngậm dư lượng hóa học cao trong quá trình chăm sóc, thu hái, sản xuất thậm chí ướp thêm hương liệu sau khi chế biến khô. Một yếu tố thời hiện đại ngày nay người ta bỏ qua là khả năng pha lại nhiều lần cùng một ấm trà, tức một ấm trà có thể pha tới 4-5 lần, có loại xuất sắc thậm chí 10 lần mà hương vị chủ đạo vẫn giữ được. Ngoài ra, tôi nghĩ lựa chọn theo giá tiền chỉ là một hình thức tham khảo, quan trọng nhất là uống trà cho bản thân mình chứ không vì khẩu vị của ai khác, vì vậy cứ thưởng thức nhiều loại khác nhau, tự trải nghiệm so sánh, đối chiếu, chọn lựa loại trà bạn tin tưởng, tự tin với nó và bạn hài lòng về nó thì chẳng có gì phải lấn cấn thêm cả.

DSC_2370PHA: khi đã có nước sạch, trà ngon bạn sẽ dùng kĩ năng của mình biến hóa tạo nên một ly trà “như ý”. Thay đổi một chút cách pha thì ra trà sẽ vị đậm nhạt, hương nồng nàn hay dịu nhẹ khác nhau. Đây là một trò chơi thú vị giữa 4 yếu tố: lượng trà – lượng nước – thời gian – nhiệt độ. Khi uống chóng vánh, nhanh gọn thì ít trà chút, nhiều nước để hãm lâu một chút thì trà sẽ thanh nhẹ, hương không quá sâu, pha một ấm 1-2-3 lần. Khi uống cô đọng, lấy cốt trà làm trọng thì để nhiều trà, ít nước, đổ trà ra nhanh sau đó pha đi pha lại nhiều lần. Nhiệt độ xuyên suốt phù hợp với từng loại trà khác nhau, nếu không muốn luộc trà thì đừng đổ thẳng nước sôi sùng sục vào thiêu rọi lá trà xanh mơn mởn nhé. Càng pha nhiều, càng chú ý thì tay nghề pha trà sẽ càng lên cao thôi.

DSC_2384 (1)ẤM: nước này, trà này, muốn pha thì phải có dụng cụ để pha trà. Chọn ra ấm có dung tích phù hợp với lượng người uống đầy đủ công năng sẽ cho ra trà ngon hơn. Là một người đã đi qua nhiều vùng trà, tôi không trực tiếp sao tất cả các loại trà cho mình nhưng tôi cũng gắn bó sản xuất cùng người nông dân, thấy được quá trình sinh trưởng lá non tới ly trà cuối cùng thấp thoáng khói bay sẽ thấy rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng sau cùng. Thế nên tôi không cảm thấy bị lệ thuộc vào một yếu tố đơn lẻ nào đó mà quên đi tổng quan bức tranh hài hòa nhiều chi tiết. Tôi cũng chọn cho mình vài chiếc ấm đất nhỏ xinh thuần túy, ấm thủy tinh cho nhu cầu sử dụng thực tế của mình. Tôi đồng ý chiếc ấm đất tốt sẽ gia tăng hương vị của trà, nhưng giá trị gia tăng này không lớn lao vĩ đại như từ địa ngục bước tới thiên đàng. Không chỉ trà, rượu vang hay whisky cũng vậy, tâm lý số đông cảm thấy rượu ngon hơn khi được biết giá trị kinh tế của cái ly đặc biệt thiết kế riêng biệt, chất liệu siêu biệt. Tin tôi đi, một người đàn ông sẽ trở nên lịch lãm, sang trọng, có giá hơn hẳn nếu người ta cho bạn biết anh ấy là Hoàng tử Anh, thực tế là như vậy đó. Song nếu bạn nhìn chiếc ấm như một tác phẩm nghệ thuật, thú chơi riêng biệt thì vấn đề lại chuyển sang một hướng khác, nó không dừng lại ở việc tìm chiếc ấm để pha trà ngon nữa, cứ thỏa sức đam mê tìm hiểu, đầu tư trong khả năng cho phép vào chiếc ấm đẹp, giàu giá trị nghệ thuật, độc, lạ.

Hiểu rõ được vai trò của 4 yếu tố lớn trên thì bạn sẽ linh hoạt kết hợp hài hòa chúng để cuối cùng thưởng thức trọn vẹn một chén trà ngon. Nếu có “ siêu nước” mà trà dở thì pha ra nhạt nhẽo. Nếu nước sạch – trà ngon mà không biết pha thì ấm trà cũng trở nên kém duyên, mất sắc. Nếu có một chiếc ấm hơi không ưng ý hơi lớn, nhưng có nước ngon, trà ngon, người pha khéo thì trà mời ra chén chả ai nỡ từ chối đâu, có khi còn xin thêm đều đều. Giả như góp mặt đầy đủ nước sạch ngọt, trà quý, pha khéo, ấm tốt phù hợp thì tuyệt vời quá, còn chi đâu để mong ước xa gần. Đừng ngại thử nghiệm, khám phá nhiều điều mới mẻ và sàng lọc kinh nghiệm quan trọng cho mình.

Bâng Khuâng Sen Hồng Cuối Hạ

Cảm xúc về sen qua tháng ngày trên nhiều mảnh đất. Một vài chia sẻ trải nghiệm thú vị của tôi với trà sen bông tươi.

Có người thoáng hỏi:

– Sao tôi uống sen này không có cảm giác như đứng trước một hồ sen như một nhà báo nào đó từng nói?

Về tôi thoáng nghĩ:

– Đã bao giờ anh biết mình đang đứng trước một hồ sen chưa?

Sen ở đâu cũng ngát cũng đẹp, tôi thấy vậy. Ngắm mọi người múa hát bên hồ sen Thúy Hồ, Côn Minh khoan khoái thú vị. Ôm bó hoa sen hồ Tây sao mà dịu dàng gắn bó đến thế! Đứng dưới mưa ngắm bông sen trong chùa Từ Hiếu cảm nhận trọn vẹn sự trầm mặc đâu đây, vẫn thoang thoảng man mác. Chạm vào cánh sen thơm hồng tháp Mười như cảm thấy sự tươi mới, thanh tân.

Lotus1aHoa sen không phải ngẫu nhiên trở thành loài hoa biểu tượng thấm đẫm triết lý Phật giáo. Từ sự vươn mình kiên nhẫn trong hoàn cảnh bùn lày khó khăn, nở bung những cánh hoa sắc hồng tươi thắm, thanh khiết lan tỏa vẻ đẹp tinh khôi, thanh tịnh khiến mọi loài trở nên hiền hòa tĩnh lặng. Lẽ vậy, nhiều người yêu sen, mến sen, ngắm sen mãi hoài không chán, thế nên người xưa tìm cách lưu lại vẻ đẹp thuần khiết của sen sâu vào trong cánh trà hòa quyện vô cùng tinh tế. Gửi hương hoa tự nhiên vào trà đã khó, mất từ 4-5 ngày qua 2 lần sấy ướp mới xong, nhưng ướp sen thì kỳ công gấp bội phần, tỉ mỉ nhẫn nại suốt 6-8 lần tuần hoàn nào xếp bông, tách gạo, gói lá giữ hương, rải ướp, tách gạo – trà, sấy khô trải dài gần một tháng mới hoàn thành trọn vẹn mẻ trà. Nên uống trà sen, bạn có thể có cảm tình hay không không quan trọng. Để cảm được, bạn cần thấy được tự tính của sen, vẻ đẹp của sen, sự bất biến của sen.

Những sáng ngày hè năm nào, tôi đi từ Trương Định lên hồ Tây, ngồi nhặt gạo sen miệt mài bên hồ, nhiệt tình quá được chú chủ hồ tặng luôn 2 bông sen ngậm trà Thái Nguyên. Về nhà vui quá, tối uống vội luôn.

Sau này, lác đác một vài buổi, tinh khôi tôi về Hà Nội, cùng người bạn già đã ướp trà sen gần trọn một đời người, mỗi người đạp chiếc xe quanh hồ Tây quen thuộc. Và chúng tôi ngồi bên hồ hồi lâu, mang theo ấm sen ủ ấm trong giỏ mây kiểu xưa ra từ từ uống từng chén trà, ngắm đầm sen xa gần. Có đêm đông, ngồi trên tấm phản gỗ nhỏ, nhớ quá làm một ấm trà sen nhỏ, trọn một buổi tối mà sao hương vẫn còn lẩn khuất, vị ngọt thanh dần chẳng mất đi đâu được. Trăng lấp ló qua cánh cửa sổ mở khẽ có lẽ đang mỉm cười với chúng tôi.

Lotus2Mùng 1 Tết Sài Gòn sao im lặng lạ vậy! Đâu còn còi xe hối nhau giữa phố phường, chỉ còn lại lá xào xạc rơi rơi trên thềm. Tự nhiên tôi muốn uống trà Cúc, hương vị cúc không chứa nhiều lớp lang phức tạp mà rất thanh nhẹ khiến tôi thư thái, dịu dàng. Rồi ngay sau trà Cúc, tôi biết mình muốn uống trà sen. Và sau đó là lớp hương thanh – sâu chạm tận sau đỉnh đầu man mát lan tỏa. Hài hòa và ngọt ngào rất đỗi tĩnh lặng. Nó khiến tôi thấy tự do, yên tĩnh, không còn ràng buộc bởi suy nghĩ thoáng qua bất chợt nào đó. Suốt Tết năm nay, tôi chỉ quanh đi quẩn lại 2 món trà này mà thôi.

Xưa nay, các cụ thường uống sen ướp khô, lúc nào cũng tiện vả lại hương vị thơm sâu sắc giữ qua nhiều tuần trà.  Song nếu vào mùa sen nở, có thể trải nghiệm sự khác biệt thú vị là trà sen bông tươi ( nhiều người gọi là sen sổi) lấy một ít trà bỏ vào trong bông hoa chúm chím, quấn lại bằng lá sen để trà ngấm dần hương sen tự nhiên, thật là lý tưởng và thi vị nếu như được uống ấm trà này ngay bên hồ sáng sớm hay lúc trăng thanh gió mát. Tôi thì không ưng cách gọi “sen sổi” lắm vì nó chỉ thể hiện tính sổi khi sản lượng hóa hàng loạt bằng cách ướp trà vào bông để trữ đông nhiều tháng ngày. Da thịt có thể đông cứng, chứ hương thơm đâu thể cầm nắm mà cố định lại. Một khi rã đông, cánh hoa héo úa, nhợt nhạt, rụng rời theo từng sợi trà nhả ra, tinh thể đá tan chảy trôi luôn chút hương ít ỏi còn sót lại. Ôi thôi, thanh tân nay còn đâu ! Chỉ còn một cô gái mặc yếm đỏ, da trắng ngần, tóc đen dài chấm thắt lưng đổ về phía trước … chết trôi sông!

Lotus3Ở Sài Gòn, muốn tận hưởng cảm giác từ lúc bỏ trà vào hoa tới khi nhấp chén trà cuối trong khung trời Tây Hồ quả không đơn giản. Chẳng thể lãng mạn như trong thi văn Nguyễn Tuân từng viết thì đành lách cách uống sen bông tươi ngắm hồ trong tâm tưởng vậy. Thế là tháng 7, tôi chọn nền trà xanh cổ thụ vụ xuân Phìn Hồ, Hà Giang, thử hai mẻ trà một đầu tháng và một cuối tháng khi sen vẫn đương thời chín muồi dày hương. Mẻ đầu ướp đệm trà qua lớp cánh sen non bên trong làm tăng độ ẩm đồng thời trà cũng ngấm hương sâu hơn, sau đó mới dùng trà này vào bông sen tươi cuộn lá sen. Mẻ sau ướp trực tiếp trà khô cộng thêm chút gạo khô vào trong bông sen tươi rồi cuộn lại. Cứ thế 2 mẻ trà bay thẳng vào Sài Gòn cất ngăn mát tà tà uống dần trong vòng 2 tuần. Tùy vào độ ẩm, dày hương, mới ướp hay trữ mát lâu hơn mà hương vị biến đổi từ ngọt thanh của quả na ( mãng cầu xiêm) tới thơm mát chua thanh của vỏ chanh vàng. Cá nhân tôi thích mẻ đầu hơn, uống sau khi ướp 3-4 ngày trà hút hương đủ lâu, vì sự phối ngẫu phù hợp ăn ý giữa độ ẩm vừa phải (đủ ko gây mốc, ướt) làm trung hòa giảm độ chát tự nhiên của trà xanh thậm chí vị trở nên ngọt hơn, đồng thời hương sen rất thú vị ở chỗ nó cực khó ăn hương song ngấm là ngấm rất lâu. Dù là ướp tươi, mà uống rất bền, qua 5-6 nước trà mới dịu lại.

Hai mẻ trà là đôi ba chục bông, số vốn này cũng kha khá đấy chứ. Thế là tôi uống, uống ở nhà, ở ban công, uống nơi làm việc, uống ké quán cà phê người ta, uống bên vệ đường, uống một mình, uống cùng các bạn trà đêm trăng mười bốn… Cảm xúc không giống nhau, tuy nhiên đều vui vì phát hiện nhiều sự khác biệt nho nhỏ thú vị. Có thể không phải bông sen trà hoàn hảo nhất nhưng cảm xúc đong đầy nhất là bông đầu tiên tôi vào chùa buổi chiều mát chia sẻ cùng người bạn trà của tôi. Mở lá sen ra là màu hồng phấn nhẹ, chúng tôi cầm lên hít thật sâu, thơm quá, dễ chịu quá tới nỗi không dám tách trà khỏi bông. Luyến tiếc một hồi cũng phải gác lại, tôi nhìn bạn tôi pha, chăm chú, nhìn trà lẫn chút gạo sen lên xuống theo dòng nước, hương sen bắt đầu tỏa ra quẩn quanh mắt tôi, tóc tôi. Sau mươi giây trà rót ra.

Nước đầu hương nhẹ, vị nhẹ, chút chát nhẹ đặc trưng trà xanh.

Nước hai hương dày hơn phảng phất như hương quả na, vị sâu hơn, có sự hài hòa cao độ giữa hương và vị.

Nước ba hương thơm không kém hơn nhưng đi từ từ vào trong chậm rãi hơn, vị trà vẫn đậm đà.

Nước tư hương bắt đầu ngả xuống, vị bắt đầu ngọt dần.

Nước năm hương tiếp tục ngả xuống, vị gây sự ngạc nhiên, nó ngọt hơn trước chứ không hề nhạt đi chút nào. Hậu vị ngọt lạ, rất mượt và dễ chịu.

Nước sáu hương chỉ còn loảng thoảng đâu đó, vị ngọt nhẹ dần.

Sự thư thái lan tỏa. Chúng tôi nhìn nhau cười, cảm thấy hân hoan vì mỗi người trong chúng tôi vừa mới tìm thấy người bạn quen mà lạ, lạ mà quen này.

Và trong khoảnh khắc nào đó, tôi đã thấy hồ sen của riêng mình.

Mùa hè triền miên những ngày mưa

Một số tác động tiêu cực lên cây chè gần đây từ mối quan hệ cộng sinh rừng và cây chè dưới một góc nhìn hẹp qua những con đường tôi đi.

Mấy hôm nay Sài Gòn mưa rả rích cả ngày, buồn thối ruột thối gan tới mức những người chịu khó đi chơi nhất cũng phải ngồi nhà nhiều hơn.

Nhớ lại tuần vừa rồi gọi điện nói chuyện với mẹ, mẹ kêu mưa suốt ngày mấy ngày rồi. Ngạc nhiên, mới cuối tháng 7 còn kêu ồi ồi nắng phát sốt lên cơ mà. Mẹ tôi ở Lào Cai.

Hôm kia, thứ 4, cuộc điện thoại thăm thân từ Lũng Phìn, Hà Giang chia sẻ: “ Ngọc ơi buồn lắm, năm nay mất mùa chè vụ giữa rồi. Mưa nhiều lắm, ngày nào cũng mưa, chả kịp hái chè. Thôi phải đợi tới tháng 9 vậy”. Thì thôi cũng phải đợi chứ biết sao bây giờ! Mắt chớp chớp, nghĩ ngợi: “ Uống gì giờ nhỉ?”

Đầu tuần, gọi điện lên Mộc Châu, tình thương mến thương hỏi:” Vẻ đẹp Á Đông (Đông Phương mỹ nhân) sao rồi? Em ấy có sức khỏe không vậy? Chú trả lời:” Không, em yếu xìu, mưa suốt ngày, rầy xanh chắc buồn chả muốn cắn lá, làm sao nổi, không lên hương được”.  Sắp hết hè rồi mà chửa mót nổi cân nào. Ôi chao!

Chiều qua gọi lên Suối Giàng, Yên Bái buôn dưa tí, lại tâm sự: “ Chán lắm, mưa tối ngày. Nắng tí hái tí, chả bõ cân chè. Chả buồn làm”. Ôi, mưa !

Tối qua xem TV cập nhật tiếp tin lũ lớn ở Mù Cang Chải, Yên Bái, sạt lở, thiệt hại, mất tích, chết chóc…

Tháng 7 Hoàng Su Phì, Hà Giang cũng mưa nhiều, sụt lở nghiêm trọng.

Mưa nhiều, lá chè ngậm nước nhiều, sinh trưởng nhanh nên vị trà khá nhạt, làm trà ngon hạn chế ngày mưa. Vả lại đường trơn trượt, ướt át ai cũng ngại ra ngoài hơn, lấy đâu người hái chè.

Blog-32Mùa hè thì lúc nào chả mưa nhiều hơn, cái đó ai chả rõ, thế nhưng mưa nhiều tới mức sụt lở nghiêm trọng, mưa dồn dập một khu vực như vậy quả là bất thường. Mà cái thời tiết bất thường này xảy ra gần đây có tính đều đặn thường xuyên hơn do sự biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Cây chè vốn là loại cây sinh trưởng trong môi trường sinh thái đa loài (biodiversity) nên nó chịu ảnh hưởng trực tiếp mạnh mẽ từ hệ sinh vật xung quanh. Nếu hệ sinh thái các sinh vật nói chung, rừng cây nói riêng phát triển không đồng đều, nhẹ thì chất lượng sụt giảm, nặng hơn nữa thì mất mùa, có thể cây chè sẽ chết vì không còn khả năng chống đỡ trước sự tàn phá khốc liệt này. Tôi trước hết là người uống trà, rong ruổi trên những cung đường trà khắp nơi, chạm vào lá chè, sao trà để uống. Đã thấy quá trình biến đổi từ lá non trên cành chế biến thành cánh trà khô, đã thấy những mầm trà non vươn lên từ đất mẹ cho tới những cây già cỗi, chết dần chết mòn. Tôi cảm thấy xót xa mỗi khi biết tin năm nay trà bị sao.

Dọc con đường dài từ Bắc Quang, Vị Xuyên đi lên Hoàng Su Phì qua những nẻo đường uốn lượn quanh co nhìn xuống là thung lũng sâu hun hút. Ruộng bậc thang trải dài Tú Lệ, Mù Cang Chải lãng mạn nên thơ. Những con đường heo hút hòa trong mây trắng dẫn tới cổng trời ở Mường Khương, Bắc Hà tỉnh Lào Cai. Rồi Điện Biên, Lai Châu ở miền núi phía Bắc những ai đã từng đi qua đều phải trầm trồ trước vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên. Nhiều khi thẫn thờ, tôi tự hỏi sao tạo hóa kì diệu thế, sao lại đẹp thế này? Song bên cạnh đó tôi vẫn thấy xa xa là sườn núi trọc, trơ mình đất đá khô cằn từ vùng này cho tới vùng khác. Để canh tác trồng hoa màu, lương thực thì ít mà chặt phá không tái thiết thì nhiều. Thi thoảng thấy rừng xanh thăm thẳm khấp khởi như khoe với anh Dao anh Mông:

“ Ôi, nhiều cây nhỉ, thích nhỉ, chắc nhiều cây gỗ quý lắm!”.

Anh hồn nhiên nói:

” Gỗ quý chặt hết rồi, toàn gỗ loại 4, loại 5 thôi. Giờ mà kiếm gỗ làm nhà là chúng mình phải đi sâu vào trong rừng mới kiếm được”. Vâng, người vùng cao sinh tồn cùng rừng núi, họ chủ yếu làm nhà từ cột trụ gỗ, trát đất hay ke đá…

Hay ở Bắc Hà, tôi tò mò hỏi em, một chàng trai trẻ người Mông tốt nghiệp ĐH Nông Nghiệp Hà Nội:

” Tỉnh mình có dự án nào phủ lại rừng không em?”

“ Có chị ạ, nhưng trồng xong, bà con thả trâu bò, lợn gà chạy lung tung nó giẵm nát hết. Cũng không ai để ý nên trồng không hiệu quả lắm”: em nói.

Tôi nhớ năm 2009 lên Suối Giàng chơi. Một buổi tối, đang ngồi uống trà, một con xe Win phi từ ngoài đường xuyên thẳng vào trong sân sau, 2 vợ chồng phi như bay về phía chiếc xe, tò mò quá, như phim, tôi liền chạy theo, trong bóng tối nhá nhem, tôi thì thầm :

“Gì thế chị?”

“Gỗ về em ạ”: chị nói.

Vâng một khúc gỗ dài tầm 90cm, đường kính 35-40cm, nghe nói là 1 khúc gỗ quý lâu lâu mới có mà tôi chả để ý là cái thứ gỗ gì.

Năm 2017 tôi hỏi chị:

“Dạo này còn khúc gỗ quý như năm nào không chị?”

Chị trả lời: “ Làm gì có mấy em, giờ hết rồi”.

Vâng giờ hết rồi. Rừng cứ trơ trọi dần, mà nó trọi sẵn lâu rồi, sao chống đỡ nổi cơn lũ ống lũ quét bạo hành khắp nơi.

Đứng trước cảnh đình chùa cổ tĩnh lặng, mái cửa gỗ đục đẽo tỉ mỉ, hay những ngôi nhà gỗ đẹp, những tác phẩm nghệ thuật gỗ nào bàn ghế, phản, tượng đẹp nao lòng tôi thấy rất thích, thấy rung động bởi chúng rất mộc mạc thân thuộc với mình. Có điều bảo sở hữu những thứ như vậy thì hoàn toàn dửng dưng, nghe đàm luận đọ gỗ quý hiếm lại càng thấy xa lạ thậm chí phản cảm. Thôi thì việc ai người ấy cứ làm.

Rừng cứ trơ trọi dần –  gỗ to, gỗ quý, gỗ hiếm – lòng người vẫn cứ ham cứ mê – mẹ thiên nhiên quẫy đạp.

Trà ngon, uống sướng lắm! Lâu lâu trà kém ngon, ta cười, ta hiểu.