Bàn chút về cây chè Việt Nam

Cây chè xuất hiện trước nhất ở đâu Việt Nam? Một số khái quát của dòng chảy phát triển của sản xuất trà ở nước ta.

Blog-2-Suoi-Giang
Cây chè mọc tự nhiên ở Suối Giàng

Khi nhắc tới nguồn gốc của cây chè, nhiều người liên tưởng ngay tới Trung Quốc bởi trà là thức uống nổi tiếng với bề dầy lịch sử và sự đa dạng phong phú chủng loại bắt nguồn từ đất nước rộng lớn này. Có vài thuyết đưa ra chứng minh cây chè nó phải được xuất hiện từ một quốc gia nào đó tùy thuộc vào thời điểm giới hạn sự so sánh cây chè giữa các vùng, đất nước. Tuy nhiên thực tế cây chè là giống cây cận nhiệt đới, bản thân nó tự mọc lên sinh trưởng  ở vùng đất có điều kiện tự nhiên phù hợp với nó chứ không quyết định bị chi phối do làn ranh giới quốc gia phân biệt của con người tận sau này. Đó là vùng chân núi dãy Himalaya trải dài về phía Đông Nam Á xuyên suốt từ Đông Bắc Ấn Độ qua Vân Nam ( TQ), Myanmar  xuống Việt Nam, Lào, Thái Lan – nơi ngày nay người ta tìm thấy rất nhiều câu trà cổ thụ thân cao lớn tới hàng trăm năm tuổi có điều kiện lý tưởng tương đồng: độ cao so với mặt nước biển từ 1200- 2500m, nhiều ánh sáng mặt trời nhưng không trực tiếp, độ ẩm cao, nhiệt độ trung bình trong ngày từ 16-28 độ C, không chịu quá lạnh, bề mặt đất dễ thoát nước…

Blog-2-Moc-Chau
Đồi trà oolong ở Mộc Châu

Vùng trà cổ thụ nguyên sơ rộng lớn của Việt Nam tập trung rải rác ở các tỉnh Tây Bắc và Hà Giang  chủ yếu do người đồng bào thiểu số H’Mông, Dao bản địa dùng làm thuốc hay đồ uống  từ xa xưa.  Người Pháp tới vào thế kỷ 19, chính thức đưa cây chè trở thành cây nông nghiệp có giá trị bằng việc mở Viện nghiên cứu, nhân giống tại Phú Thọ ( miền Bắc) và Cầu Đất ( miền Nam) từ đó lan rộng cây chè ra nhiều tỉnh lân cận khắp cả nước.Ở một số vùng Hà Giang trước kia nhiều người già kể lại: “ cây chè ngày xưa có giá trị lắm, hơn lúa thóc nhiều, mỗi tháng mà nộp được 2 bao chè ( 50kg tôi đoán) là không phải đi lao động nữa rồi”, tức là khỏi nộp tô thuế nặng nề khổ sở. Còn ngày nay thì sao? “ Mấy năm gần đây mới có phong trào làm chè trở lại, người ta hái người ta làm thì mình làm thôi, mà không ăn thua, vẫn nghèo lắm” anh chia sẻ.

Blog-2-Yen-Bai
Một góc sườn núi bạt ngàn trà Yên Bái

Trước kia, theo dòng vận chuyển trà từ vùng núi về xuôi, người Hà Nội lấy trà đóng bánh lớn tách rời ướp với sen Tây Hồ mà tôi đoán là trà Phổ Nhĩ sống non. Bởi dựa trên cách chế biến của người bà con đồng bào kể lại – sao nhẹ trên chảo, vò sơ nhanh rồi phơi nắng 2-3 nắng, ẩm ẩm thì nén lại thành bánh hong gió tránh mốc. Thêm nữa lấy ít Phổ Nhĩ Hà Giang cho các ông cụ bà cụ đã ướp sen mấy chục năm nay uống thì họ gật đầu như tìm được bạn trăm năm: “ đúng rồi, chè này ngày xưa hay ướp đấy, nước pha ra màu vàng vàng đỏ đỏ chứ không xanh như trà bây giờ”. Những năm 1970 sau đó xuất hiện xe ca ( ô tô lớn) thì gửi trà bồm lá rời lớn trong bao tải về Hà Nội, chứ không còn đóng bánh nữa. Tuy nhiên sau 1980, việc Thái Nguyên, Phú Thọ đi đầu về trồng và làm ra các loại trà xanh phẩm cấp tốt hơn cộng thêm giao thông nghèo nàn, điều kiện vận chuyển khó khăn nên con đường trà cổ thụ từ vùng cao gần như không phổ biến, chủ yếu người dân uống trà xanh làm từ các tỉnh trung du miền Bắc hay Lâm Đồng ở miền Nam. Đi qua nhiều vùng đất làm trà từ Bắc tới Nam tôi thấy người Thái Nguyên nói chung, người Tân Cương và vùng lân cận nói riêng là những con người nông dân làm trà xuất sắc nhất, họ biết chính xác họ đang làm gì, trồng cây gì, giống gì, tăng sản lượng bằng cách nào, biến đổi phương thức chế biến ngoạn mục theo nhiều tiêu chí khác nhau. Vì thế đâu đâu cũng nức tiếng trà Thái Nguyên, nó chẳng hề kém cạnh với những loại trà xanh trứ danh ở nước ngoài mà bao người vẫn khen, có khác chăng nó xuất phát từ Việt Nam.

Những năm 90, với xu hướng chào đón đầu tư rộng mở phía Nam, người Đài Loan sang đầu tư tại Lâm Đồng trồng nhiều cây chè oolong làm thị trường trà Việt Nam trở nên phong phú hơn. Gần đây, làn sóng đầu tư trồng làm trà oolong ra phía Bắc tăng lên một cách âm thầm, cũng dễ hiểu vì kinh tế nông nghiệp cởi mở hơn, điều kiện tự nhiên tốt hơn cho ra những loại trà xuất sắc hơn. Với làn sóng chung như vậy, trà cổ thụ vùng cao được đưa lại gần hơn với giới uống trà vùng xuôi vào tận Sài Gòn. Việc làm trà thay đổi theo từng năm, mới 2011 đi qua những cung đường Hồ Thào, Nậm Ty, Thông Nguyên của Hoàng Su Phì, hay Thượng Sơn, Cao Bồ của Vị Xuyên ở Hà Giang còn heo hút lắm vậy mà năm nay 2017 thấp thoáng những cơ sở nhỏ, vừa đang miệt mài sao trà, nào trà xanh, nào trà đen. Tôi thấy đây là một tín hiệu đáng mừng cho trà Việt Nam.

Blog-2-Bao-Loc
Đồi trà oolong ở Bảo Lộc

Trà chất lượng cao đem lại giá trị kinh tế rất lớn. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu trà lớn nhất thế giới, vậy mà thương hiệu trà xuất xứ từ nước này vẫn khá xa lạ đối với người uống trà trên thế giới. Vì đa phần các loại trà xuất khẩu phục vụ hòa trộn với các loại trà khác ( blend teas) cho thương hiệu nước ngoài không đề cập nguồn gốc, đóng túi lọc. Sáng sủa hơn là một số sản phẩm trà trắng,  oolong, trà đen chỉn chủ hơn rất nhiều lại tự kết liễu mình dưới một cái tên “ Made in không phải Vietnam” có giá trị thương mại cao hơn. Vì đâu nên nỗi này? Theo tôi nghĩ phần nhiều nước ta khá có tiếng với các sản phẩm bị lạm dụng bón phân hóa học hay phun thuốc trừ sâu, kích thích tối đa hóa sản lượng do những người nông dân chưa được chỉ dẫn một cách nghiêm túc dẫn đến thiếu hiểu biết tất yếu sẽ thiếu trách nhiệm tạo nên ấn tượng xấu về trà Việt.  Ngoài ra, góp phần không nhỏ là thiếu sự xây dựng quảng bá chuyên nghiệp có tính định hướng rõ ràng từ cấp quốc gia cho tới đơn vị kinh doanh lớn nhỏ trong nước.

Luôn có những sản phẩm tốt và sản phẩm xấu cùng tồn tại. Chúng ta có cả một vùng nguyên liệu tự nhiên rộng lớn ở Tây Bắc thu hái từ người đồng bào hồn nhiên, những người nông dân thông minh, sáng tạo sản xuất ở Thái Nguyên, những chuyên gia đầy kiến thức chuyên môn sâu sắc trong sản xuất trà đương rảnh rỗi đâu đó, kinh nghiệm sản xuất trà oolong tích lũy hơn 20 năm, Việt Nam có đầy đủ yếu tố cần thiết tạo nên một vị thế ấn tượng hơn trên bản đồ trà thế giới. Và đó cũng chính là thách thức đang chờ đợi chúng ta.

Về tôi, về trà và ước mơ

Mọi người hay hỏi: “ tại sao là trà mà không phải một sản phẩm nào khác?”.

Là cựu sinh viên chuyên ngôn ngữ, người ta thường liên tưởng trực tiếp tôi sẽ làm một cô phiên dịch nhanh nhẹn hay làm tại một công ty liên doanh nước ngoài…

Lớn lên ở tỉnh miền núi phía Bắc, hầu hết các gia đình ngâm lá vối, chè tươi, nhân trần uống thay nước trắng, hay ấm trà nóng sau bữa ăn cả nhà quây quần bên nhau thật ấm cúng. Có lẽ vậy uống trà trở nên thân thuộc, dễ chịu một cách tự nhiên.

DSC_0193Tuổi 20, ở Hà Nội, phố nhỏ ngõ nhỏ, nét xưa cũ trầm mặc lẩn khuất trong chính những ồn ào náo nhiệt cuốn hút tôi một cách lạ lùng. Những buổi dạo chơi phố phường, ngồi hàng giờ nhâm nhi chầm chậm từng cốc trà nóng nơi góc phố nhỏ, rộng mở dưới tán cây cổ thụ, ngắm dòng người qua lại – những buổi một mình, cùng bạn bè thân chia sẻ ấm trà ở những quán trà cũ lặng lẽ yên bình – từng chén trà kết nối tôi xúc chạm với cảnh vật, con người xung quanh một cách ý nhị hơn.

Và tôi đi, tôi thấy đồi trà trải dài khắp các nẻo đường ở Phú Thọ, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên… Tình cờ một khoảng thời gian ngắn ngủi tôi ở cùng gia đình một trong những người đầu tiên đem trà về Tân Cương, Thái Nguyên trồng, tôi nhận rõ hơn sự lao động vất vả, nhọc nhằn của người nông dân đầy tâm huyết trồng nên cây chè, chăm sóc, hái, sao sấy để chúng ta có thể ngồi bất kỳ đâu thưởng thức một chén trà mộc mạc, thi vị. Lên vùng cao, một cánh cửa mở toang trước mắt, tôi thấy thế giới rộng lớn, bao la những cây trà cổ thụ hoang sơ bạt ngàn khắp các nẻo rừng núi hiện diện ở đây hàng trăm hàng nghìn năm, tôi thấy bóng dáng những người anh hùng nhỏ bé thầm lặng sống một cuộc sống vất vả một cách hồn nhiên nhất, vui vẻ nhất, tự do nhất. Chén trà kết tinh từ những chiếc lá đậm nét cá tính mạnh mẽ núi rừng thu hái từ bàn tay xù xì và chế biến truyền thống với tâm thái hồn nhiên, nhẹ nhàng. Một ấn tượng mạnh mẽ hằn sâu trong tâm trí.

Đi và gặp, tôi hay hỏi:
“Bạn có thích uống trà không?” – “ Có, tôi thích uống trà lắm!”
“Bạn uống trà Việt Nam bao giờ chưa?” – “Hình như chưa bao giờ.”
“Bạn có biết gì về trà Việt Nam hay không?” – Bối rối lắc đầu.

Với người uống trà trên thế giới, dường như không mấy người có khái niệm về trà Việt Nam. Hay nhiều người Việt vẫn mơ hồ về thứ đồ uống quen thuộc này. Sao vậy nhỉ?

Tôi đi Trung Quốc, Ấn Độ, thăm những vùng trà nổi tiếng từ Vân Nam đến Assam, Darjeeling, cảm thấy thích thú vô cùng. Từ một cây trà có thể làm ra bao nhiêu loại trà có hương vị, sắc thái khác nhau. Có nhiều điểm chung về khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình, lịch sử giữa các vùng trà nổi tiếng tạo nên loại trà đặc biệt mang bản sắc riêng. Việt Nam có đủ các yếu tố trên, song tại sao trà Việt Nam vẫn là một dấu hỏi chất chứa cả sự hoài nghi.

Tôi trẻ, uống trà, yêu cây chè. Tại sao tôi không làm một điều gì đó, đánh thức sự hiểu biết sâu sắc của trà Việt Nam trên bản đồ trà thế giới?

Xây dựng nên các loại trà thuần túy, thanh khiết, hương vị nguyên bản tự nhiên, thân thiện bền vững với cây chè, với môi trường sinh thái. Xây dựng mối quan hệ tương tác sâu sắc với người nông dân, đồng bào miền núi để chúng tôi luôn cải thiện, luôn đổi mới, luôn sáng tạo. Tôi tin theo thời gian tôi và các bạn sẽ tạo nên giá trị riêng của trà Việt Nam.