Về Sài Gòn, tôi thử trà, so mẫu, cân nhắc điều kiện chế biến của cụ già với hai hộ gia đình khác ở Lũng Phìn. Trà cụ làm được cháu gái sao khô, lên hương khâu sau rất đáng đầu tư nghiêm túc, thêm kỳ vọng tay nghề của cụ điêu luyện hơn nên tôi có nhiều câu hỏi cần làm sáng tỏ đồng thời tiếp tục việc thử mẫu trước khi quyết định chọn lựa sản phẩm cho mình. Xuân năm sau, liên hệ lại người cháu nhờ anh giúp làm cầu nối trao đổi với cụ thì nhận được tin rằng cụ sức khỏe yếu, không qua khỏi mới mất đầu năm. Nghe như sét đánh ngang tai, một con người sao trà tuyệt vời đất Lũng Phìn đã ra đi, tôi mới chỉ lại gần chưa kịp chạm tay. Một điều tiếc nuối bâng khuâng nghẹn lòng!

Không biết phải làm gì, dường như gần về vạch xuất phát, có lẽ lại bắt đầu cuộc tìm kiếm mới. Tôi có linh cảm tốt về vùng trà này trước khi thực hiện chuyến đi, lấn cấn lo nhẹ vì sao núi đá cằn cỗi vậy trà mọc nổi đây. Nhưng sau khi chứng kiến công việc sao chảo khó khăn chừng nào, lúc nhấp miệng miếng trà cảm hương vị, tôi có một niềm tin mạnh mẽ đây là vùng đất trà huyền thoại từ sự nỗ lực vươn lên trên cùng hoàn cảnh khắc nghiệt của thiên nhiên, khiến tôi cần phải kiên trì, theo đổi bằng được mục tiêu của mình. Một phần chưa nguôi ngoai, tiếc mãi nguồn trà ngon rất gần bay vuột mất, một phần lượng công việc diễn tiến xoay chuyển khá bận, có rất nhiều việc cần phải làm, những vùng trà khác nhau cần được phân bổ thăm ghé, chăm sóc và phát triển chất lượng trà, tôi vẫn nóng lòng không đợi nổi tới lúc trở lại, tôi gọi anh Pó lần nữa gợi ý xem vợ anh có thể làm trà được không? Rõ ràng chị có sức làm việc bền bỉ, sự chịu đựng sắt đá phù hợp với công việc này. Anh đáp không được, nhà chỉ có mình chị lo trông nom hai đứa trẻ con, lợn gà cám bã, trồng ngô cắt cỏ quay mòng suốt ngày, anh bận công vụ hay đi khắp xã huyện. Tôi chuyển hướng hỏi trong xã có ai có khả năng làm trà ngon, anh biết một chị người quen bà con xa. Ngẫm thấy bà con vùng cao rất hay, cứ phải hỏi chính xác, thổ lộ rõ yêu cầu chứ nhiều khi họ không nhanh nhạy cung cấp thông tin khi tìm hiểu một vấn đề nào đó. Không phải họ thờ ơ với câu chuyện, với mình mà họ vốn sống vô tư, không mưu cầu quá nhiều, dễ cười, dễ chấp nhận, chan hòa xung quanh. Kinh nghiệm nhỏ là phải lao tới áp sát, vui vẻ đừng tính toán thiệt hơn, từ từ sẽ đơn giản đi rất nhiều.
Lập tức liên hệ với một người làm trà mới – người đồng bào H’mông Trắng sinh ra lớn lên trên mảnh đất Lũng Phìn – tôi nói chuyện với chị với cả chồng chị nữa, giới thiệu bản thân, sự hiểu biết ban đầu và những gì mình đi qua, đạt được trong chuyến đi năm cũ, hỏi quá trình chị bắt đầu công việc như thế nào, lâu chưa, học ai sao trà, trà chị ngon không, ai bảo ngon….? Tôi nhận mẫu một tuần kế tiếp, chưa được như mong muốn song tốt hơn hai hộ trước tôi thử. Có điều tôi thấy thái độ chị rất trung thực, cầu tiến, chẳng từ chối nếu tôi thắc mắc ngang dọc, hỏi han sâu thêm. Tôi tiếp tục chia sẻ, góp ý một số lỗi nhỏ của trà, đề nghị một vài phương án khắc phục dựa trên điều mình biết. Thậm chí, có nhiều thứ tôi không biết nói sao, chỉ diễn tả theo ý hiểu ngô nghê của mình cái tôi muốn đạt được, còn anh chị cần tìm cách làm ra kết quả như thế. Chị có lúc bắt sóng lờ mờ, từ đó dò dẫm cách này cách kia thử nghiệm, cứ thế một năm cải tiến kỹ thuật, trà ngon lên trông thấy. Con đường dòng trà xanh Lũng Phìn phát triển có thể tiến xa hơn nữa, không phải chuyện một sớm một chiều.

Tôi chính thức đặt trà cây cổ thụ già, chuyên sao chảo gang củi lửa. Trà này sao sấy vất vả, tốn nhiều thời gian, công sức, giá thành cao hơn khó bán chạy, sức người làm liên tục không xuể dễ sinh chán nản. Với suy nghĩ muốn chị làm nhiều nhuần nhuyễn, chú tâm nâng cao tay nghề, bớt áp lực đầu ra, tôi hứa ngoài lượng đặt hàng ban đầu, chị áng chừng lượng khách quen mua, còn lại thừa bao nhiêu tôi sẽ lấy hết toàn bộ, giảm phần nào gánh nặng cho chị.
Năm 2016, tôi thấy đến lúc quay lại Lũng Phìn, cho một điều mới mẻ, chạm đúng thời điểm. Giờ tôi sắp thành ma rừng rồi, tự bắt xe khách dọc tuyến chính, tới vùng trung tâm vùng trà thuê xe máy len lỏi vào rừng trà, cơ động đi đường mòn thuận tiện hơn rất nhiều, tiết kiệm thời gian, giữ sức mình, lúc khó quá thâm nhập vùng lõi hiểm trở là nhờ ngay người bản địa am hiểu dẫn mình đi. Ba năm sau, mảnh đất này khác trước ít nhiều, vài ngôi nhà mới xây, đường rộng hơn, quán xá hàng họ bày biện khu ngã ba chợ, nhà bên đường toàn lắp đèn cảm ứng, đi trong đêm sáng tối bất ngờ. Chúng tôi 3 người thồ nhau trên chiếc xe wave trắng phi lên thăm rừng trà cổ thụ, ghé ngang nhà cũ cụ già mù năm xưa trò chuyện với người nhà cụ một lát, thăm khu trà mới trồng sau này và một khu trà cổ thụ lân cận gần đó. Bữa chiều ăn xong, chúng tôi bắt tay vào công việc luôn, ngạc nhiên đầu tiên là ngoài củi lớn nhóm lửa chính, nhiều khi chị lười đẩy vào vỏ lõi ngô đốt lửa cháy nhanh, thấy thế tôi giật thót mình, sợ bùng lửa lên cao cháy trà mất, ấy vậy mà chị canh lửa, tháo củi ra vào rất tài tình. Như vậy tôi biết chị gái này siêng năng, cần cù lắm, đôi khi được cũng có tí lười nhẹ xen vào.

Chị làm từ đầu tới cuối tầm 3 tiếng, từ lá trà xanh đổ chảo, diệt men, vò máy xong, đổ lại vào chảo gang sao khô lại dần dần. Nhìn thôi đã thấy mướt lắm rồi, đôi bàn tay chị cứ đảo lên đảo xuống, đảo qua đảo lại, mắt tôi căng ra nhìn từng chi tiết muốn ghi nhớ lại hết thảy công việc của chị. Cũng muốn thử làm mẻ trà khó nhằn này, tôi xin tự tay làm, tự nhủ mình không thể đứng ngoài cuộc lâu được. Than ôi! Sao chảo tức là xác định nhảy vào chảo lửa, dùng chính sức mình nhào nặn trên từng cọng lá búp trà, xoay vần tạo hình, được chạm, cảm nhận sức nóng vật lý một cách sống động, chân thực, thống khổ nhất. Lần trước sao lá trà đã khô tập tành không cẩn thận chạm bỏng tay, còn sao lá tươi khó khăn hơn bội lần, giống như đảo cơm, xào rau trực tiếp trên mồi lửa. Hơi nóng từ củi phầm phập, khói phả thẳng vào mặt vào mắt cay đỏ hoe, hơi nước bốc lên thốc vào thân mình xa xẩm mặt mày, sức nóng lá trà tươi thấm trực tiếp vào bàn tay nói hơi quá như nhúng vào nồi nước sôi. Lì lợm được khoảng 5 phút, răng môi mím chặt, chân tay người ngợm ngấm đòn, tôi muốn bỏ hết lại, không chịu nổi xìu luôn. Lần đầu thất bại thảm hại, tôi đực mặt ra xem chị làm tiếp. Hôm sau, tôi mua đôi găng tay dày tập tiếp, công nhận dù khá khó khăn với lửa khói rộp da và hơi nước nóng bỏng tấn công, nhưng bàn tay đã thỏa mái đảo trà dễ dàng, trơn tru hơn. Bàn tay đeo găng được bảo vệ khỏi hơi nóng cũng mất đi cảm giác chân thực, thống khổ, khó phán đoán độ nóng thích hợp, sự biến đổi của lá trà qua từng giai đoạn, thiếu xúc chạm trực tiếp, cảm nhận kém tinh tế đi nhiều. Tôi vẫn tập sao trà chảo gang ở nhà chị hay hộ làm trà ở vùng khác nếu có cơ hội dù nhiều lần tay mỏi nhức tủy nhừ tử nằm quỵ thao thức không ngủ nổi. Tôi biết rõ vị trí và vai trò của mình, không sinh sống cố định tại chỗ vùng trà riêng rẽ nào, tôi không tập sao để trở thành người làm trà tài giỏi, tôi muốn hiểu và cảm nhận về lá trà biến đổi sâu sắc như thế nào qua cách thức, chế biến sản xuất biến tấu khác nhau, để từ đó tôi có thể giao tiếp với người nông dân làm trà theo ngôn ngữ của mình, tay chân cơ thể hay lối diễn tả dưới góc nhìn của trà, để sau cùng chúng tôi đạt được thành tựu tốt nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất. Thú vị ở chỗ cùng một phương pháp chế biến, hai người trong một gia đình có thể tạo ra hai hương vị khác nhau một cách tình cờ không chủ đích. Chúng ta có thể đồng hóa họ theo ý tưởng áp đặt cá nhân, nhưng đôi khi hay hơn là để cho họ làm một cách tự nhiên những gì họ tin tưởng, hứng thú với sự cổ vũ nhiệt thành từ chúng ta.

Lần đi thực tế này giúp tôi phát hiện điểm khác lạ là sau khâu vò trà, đáng nhẽ chị sẽ đổ trà lên chảo sao tiếp thì chị chuyển sang quay bom cũng đốt lửa củi. Bom quay gắn động cơ tự chạy, không cần tác động trực tiếp từ tay chân con người liên tục, giảm tải sự lao lực xuống sức nhanh chóng. Điều này cho thấy tầm quan trọng của những chuyến thăm cọ sát hàng năm giúp tôi quan sát, thu thập thông tin quý giá, đối chiếu kết quả thực tế, tích lũy dần kinh nghiệm hoàn thiện sản phẩm. Tôi yêu cầu sao toàn bộ trên chảo gang, không cắt gọt, thử thêm 1-2 cách đảo trà, tời trà trên chảo, phân loại chọn ra những mẻ ngon nhất lưu lại. Một buổi sáng thảnh thơi pha trà mẫu thưởng thức, nói chuyện vui tôi hỏi anh chị:
Trà ngon không chị?
Có ngon lắm em ạ
Ngon hơn trước không chị?
Ngon hơn đấy
Ngon hơn nhiều không?
Hơn nhiều đấy
Chị có thích ngon như này không?
Ừ, làm như này thì ngon đấy
Sau này cứ làm thế này nhé ?
Chị im lặng, không nói gì, mặt lảng đi chỗ khác, rồi quay lại nhìn tôi cười trừ.

Về Sài Gòn, như người rừng tiến vào thành phố, mặt đen lem nhem mà tôi tự tin trong tay có bảo bối mới khoe bạn bè. Lúc pha trà bạn tôi bảo về nhà bỏ gói trà năm cũ thôi, uống sao nổi. Không phải bởi trà cũ đi mà vì gương mặt mới của trà năm đó quá ấn tượng: hương thanh thoát hơn, giàu hương khoáng thạch, khói củi đượm nhẹ bám thả chút tảo biển, lớp sau rêu núi đá ẩm, gỗ ướt; vị trà không chỉ rõ vị, sắc nét, sâu chất cổ thụ như trước, nó vươn cao hơn đến độ phóng khoáng lan rộng ngay khi nhấp miếng trà nhỏ, tỏa ra khoang miệng cuốn sâu trong cuống họng thăm thẳm bền vững. Nói ví von hình tượng hương và vị trà như đang tạo nên cuộc thẩm âm trong miệng người thưởng thức.
Tôi hay gọi điện, tỉ tê với chị, phản hồi ý kiến vui mừng của khách hàng về loại trà đặc biệt của chị, nhờ chồng chị tác động, phụ chị làm việc giữ sức suốt mùa vụ. Trà nhận đóng gói theo từng mẻ riêng, uống dầm dề ngày này tháng nọ hết mẻ này qua mẻ kia, tôi nhìn lá khô, lá ướt nước cuối, so sánh với kết quả chị cảm nhận ở nhà, tìm cách thúc đẩy sự ổn định đồng đều qua các mẻ trà, động viên chị cố gắng sao tay toàn bộ hết sức có thể, mệt quá mới được quay bom tối đa 10-15 phút, kẻo trà bớt ngon, như vậy uổng công chị leo cây hái trà lắm. Mỗi lần hỏi chị vẫn cười nhẹ hì hì như thường. Có lúc cầm túi trà mở ra biết sao bom quá với yêu cầu, tâm trạng vừa bực vừa buồn, không biết nói gì luôn.

Lâu lâu xuất thần bứt phá mẻ trà ngon lạ, thách thức làm sao duy trì sự xuất thần ấy, biến nó trở thành cái đương nhiên phải có mỗi ngày. Tôi vẫn thăm anh chị hàng năm, kỉ niệm và sự gắn bó giữa chúng tôi ngày một khăng khít. Tôi nhớ một lần trong đêm khuy lấp lóa lửa bập bùng, tôi đờ đẫn, mệt mỏi sau cả tối xuyên đêm làm việc luôn tay luôn chân phụ anh chị. Tôi quay ra hỏi chị gì đó, hình như chị không nghe thấy, tay vẫn trên chảo sao đều đều theo quán tính, mắt chị nhắm lại lúc nào không hay, chị ngủ gật, tay cứ làm trong vô thức, người kiệt sức sau ba mẻ trà dài liên tiếp. Chị gục xuống nhẹ giật mình, xấu hổ nói:” chị mệt quá em ạ”. Tôi thần người, lòng trùng xuống, liệu có phải tôi đã không phải với chị, liệu tôi có quá đáng khi liên tục dội áp lực lên chị – người phụ nữ nhỏ bé, hồn nhiên, cần mẫn – để tạo nên loại trà đặc biệt theo mục tiêu lớn của mình!

Thời điểm đợi trà rộ thêm 1-2 ngày, ba người chúng tôi làm tour xe máy đi một đường vòng cung Lũng Phìn – Đồng Văn – Mèo Vạc nguyên ngày. Đi một cách vô định, ngồi chơi ăn uống, nhâm nhi uống trà trên phiến đá bên đường, cạnh thác nước, ngắm cảnh thiên nhiên, nhà cửa, nói chuyện bà con dọc đường. Nơi đây quá đỗi nghèo khó, chỉ trồng ngô và ngô là cây lương thực thiết yếu duy nhất, nhà cửa xiêu vẹo, may ra có con bò, gà qué hiếm gặp bầy đàn, dân cư thưa thớt, có muốn làm gì cũng làm không nổi, khá nhất thường có chồng con đi lao động Trung Quốc về tích góp ít vốn cất ngôi nhà xây không cần mặc áo sơn màu. Mỗi người một cách nhìn, tôi không dá đánh giá họ thực sự khổ không hay đó là một gam màu khác trong cuộc sống. Họ nhỏ bé, luôn nhoẻn miệng cười, ít khi phàn nàn, sức lao động bền bỉ, dẻo dai. Dọc con đường men theo triền núi, hai dãy đối nhau đan xen lớp lớp chạm nhau tận đáy sông Nho Quế xanh rì, vách núi cao dựng đứng nhìn xuống đáy sông thăm thẳm rùng mình, sảy nhẹ chân mạng người rơi rụng theo mây gió. Từ bên đường chính nhìn sang bên kia ngọn núi đối diện, dưới con đường mòn nhỏ đủ lách 2 xe máy, rẽ ngược lên phương thẳng đứng chếch nhẹ đến vài ngôi nhà nhỏ cách đó trông thì ngắn thế mà đi bộ tầm 45 phút, đường đã nhỏ nay còn nhỏ hơn, chênh vênh đáng sợ. Người dân kể bên đó gần trông vậy thôi mà xa xôi lắm đấy, họ thồ vật liệu xây dựng, cát, xi măng, đá tổ ong trên gùi nhỏ, kéo tấm mái nhà từ chân đèo qua quãng đường đó. Bao nhiêu lượt thồ hàng trên lưng lầm lũi, không xe, không máy móc hỗ trợ, tất cả từ sức người, đôi bàn tay, đôi chân trần biến từ vách núi đá thành mảnh đất bằng phẳng, xây lên ngôi nhà cheo leo giữa rừng núi trơ trọi. Sao lại chọn nơi xa đường thế, gần hơn một chút cho bớt cực được không? Có những câu hỏi tôi không thể trả lời được, anh chị ấy cũng chỉ cười trừ khó giải thích.

Từ 2019, trà xanh sao chảo gang Lũng Phìn đã đạt tới sự chín muồi ổn định giữa các mẻ trà. Chúng tôi còn phát triển thêm một nét đặc sắc của loại trà này là độ gằn mạnh của dòng nước trà dầm trên lưỡi chạy thẳng vào họng sâu nếu pha nước mức vừa vị trung tính tới đậm, không đơn thuần mềm mại, mượt mà như nhiều loại trà xanh ngon chúng ta vẫn gặp. Cảm giác rất đã như đi xe máy trên đường đá gồ ghề, nhấp nhô nhún nhảy suốt quãng đường trải sức. Trà xanh Lũng Phìn thách thức, chơi đố trốn tìm cùng người uống để chúng ta bóc tách lớp lang, khám phá lẫn nhau theo thời gian.
Chúng tôi đặt tên trà Xanh Tiger Monkey theo tên 2 loài động vật trong 12 con giáp là Khỉ – Hổ ( Dần – Thân) tượng trưng cho 2 ngày âm lịch quay vòng diễn ra phiên chợ truyền thống ở Lũng Phìn, nơi người người khắp nơi trong xã tụ họp mua bán, trao đổi hàng hóa, nói với nhau câu chuyện vui, chia sẻ điều mắt thấy tai nghe lạ lẫm, nơi họ bán trà, uống trà với nhau quây quần, giản dị
Chúng tôi đã cố gắng suốt nhiều năm, tạo nên linh hồn cho một dòng trà, từ mảnh đất Lũng Phìn huyền thoại.