Cây chè ở lại

Ở mỗi vùng trà, từ lúc hạt già rơi xuống nảy mầm đến khi cao lớn đồ sộ, có những cây tiếp tục huy hoàng, có những cây chết đi, ngã quỵ vì nhiều lý do khác nhau.

Trong chuyến thăm vùng trà Tà Xùa, Sơn La tháng 9/2022 sau nhiều năm không trở lại, gặp nhiều người chủ yếu người H’Mông bản địa chuyên hái chè, sao chè làm việc độc lập cá nhân hay liên kết gia đình nhỏ tầm 5-7 người. Như mọi lần, tôi hỏi đủ thứ từ gia đình chỗ nào, nguồn gốc ở đâu, làm gì mưu sinh, lịch sử làm chè ngày xưa – ngày nay, cải tiến máy móc, học hỏi bán hàng cho ai, cây trà nhà quản lý ở đâu, chăm sóc – thu hái ra sao… Qua 1-2 ngày tôi gặp được anh Xuýn 35 tuổi, gọi là gì nhỉ, chắc là tri kỉ vùng trà, người anh em tốt sóng sánh bên nhau mọi việc, mọi lúc, mọi nơi. Anh hiền lắm, nhiệt tình, nhanh trí, trung thực, không biết chữ nhưng nhìn được số, khi nào ngân hàng chuyển khoản ting ting là anh biết ngay tiền về, còn tiền của ai thì chưa biết, phải đợi ai đó thông báo cụ thể. Anh gọi ai dò ảnh đại diện Zalo gọi, ai gọi tới hiện chữ thì anh chịu, cứ nghe rồi hỏi tên sẽ biết sau. Gặp anh Xuýn tại nhà người em trai cũng có làm chè, nói chuyện uống trà, thử trà miết, rồi đông người quá tôi di chuyển về nhà anh luôn cho tiện công việc các bên. Ăn cơm trưa xong cùng 2 vợ chồng anh bên cạnh quần thể sinh động nào chó mèo, ngan, vịt cảm giác rất thú vị và ấm áp.


Uống trà xong chúng tôi liền di chuyển tới 1 khu vực cây chè khác ban sáng thăm quan. Dọc đường bê tông 2,5m đến một khoảng không rộng lớn hơn hẳn, xa xa là thung lũng mù mây, ngay dưới là hủm nhỏ um tùm các cây chè mọc xen kẽ cây cao lớn, cây bè ngang đua nhau khoe dáng thân trắng xù xì khỏe mạnh, trong lùm cây lấm chấm bóng người đang hái chè. Chỗ này trước đây là nhà anh trai, chú anh sinh sống, nay mọi người chuyển ra trung tâm thôn thuận tiện sinh hoạt hơn. Đi một quãng thì hết đường bê tông, nối tiếp là 1 đường bê tông nhỏ xíu rộng chừng 60cm hướng lên cao chóp núi. Bộ lên gặp chị gái hái chè tươi về, hỏi chuyện chốc lát này kia rồi chào nhau. Cách 30-40m tự dưng có 1 cây chè mọc bên hông vòng qua bên phải, xòa thân cây tán lá xuống con đường, đi qua phải cúi gập người xuống hoặc lách sang bên kia tránh, nhìn rất ngộ luôn. Anh Xuýn hăng hái kể:


Xuýn: May là còn cây chè này, giờ vẫn có chè hái.
Tôi: Sao lại thế?
Xuýn: Ngày xưa làm đường này này, cây chắn vướng quá, định chặt bỏ, thấy nó cao cao nên để lại, giờ nó cao hơn nữa rồi, cũng đỡ
Tôi: Sao lại làm đường ở đây?
Xuýn: Ngày xưa ai cũng đi qua lối này. Con nhà anh đi học xa quá, lên xuống nên làm để đi dễ hơn
Tôi: Thế là giữ được cây chè này, nhìn đẹp to đấy anh, may thật.
Xuýn:
Tôi: Ủa, còn cây nào bị đốn lúc làm đường không?

Xuýn: À có mấy cây đấy, đứng chắn giữa cái đường này
Tôi: Đường nhà nước làm hả anh?
Xuýn: Không, đường này anh tự đổ, có nhà ông chú đến giúp
Tôi: Thế sau đó bao lâu nhà anh chuyển ra ngoài kia (nhà mới hiện tại)
Xuýn: 2-3 năm ấy
Tôi: Mất công bỏ mấy cây trà nhỉ! Cây trà to ko? Giờ có ai ở trên kia không?
Xuýn: Cây cũng to to một tí. Không có ai đâu, họ cũng đi chỗ khác ở rồi, giờ có cây chè thôi

Nhìn lại cây chè, to lớn, khỏe mạnh, xum xuê, tôi đoán chừng gần 200 năm. Nghĩ thấy may mắn khi vẫn được thấy sự hiện diện cây chè lịch sử này ở nơi đây. Quay sang anh trai người Mông luôn trực nụ cười hiền hòa, hồn nhiên trên khuôn mặt, chúng tôi lại bước tiếp hành trình của mình.

MỘT NGÀY HÁI TRÀ TRÊN NÔNG TRƯỜNG MỘC CHÂU

Cao nguyên Mộc Châu (tỉnh Sơn La) tươi đẹp, trù phú bắt gặp bao loại cây cối, hoa quả, dọc con đường đi. Chúng ta hãy đến đồi trà Oolong Mộc Sương tham gia một ngày làm việc chuyên hái nguyên liệu trà tươi, một công đoạn miệt mài, chuyên tâm không kém phần vui tươi, rạng rỡ

Gần trưa, từ trên cao vọng xuống, trải rộng hết tầm mắt màu xanh xanh từ cánh đồng này qua cánh đồng khác. Ở đây vút tầm mắt chỉ có trà là trà, từng hàng uốn lượn quanh co tận chân trời, nhấp nhô lên xuống theo những ngọn đồi cao thấp bất tận. Xa xa hình như thấp thoáng bóng người đang hái trà lấm chấm một vạt trên nền xanh rộng lớn. À hôm nay là ngày thu hoạch trà tươi, thảo nào rộn ràng đông người thế. Hai người chung một luống, gần như song song so le nhau, mỗi người lắc qua lại hai bàn tay đảo hái liên tục, ngón tay cái bấm ngón trỏ ngắt thân non. Phập, phập, xong một búp ba lá, thoăn thoắt không ngừng, cứ thế hàng chục thân non từ trên bụi cây dần thu vào bàn tay người hái, chẳng mấy chốc đã đầy hai nắm tay, quay sang thả vào giỏ buộc bên hông. Thao tác nhanh tới nỗi hướng nhẹ bên trái ngó nhẹ bên phải lẩm bẩm đếm nhịp hái một tí muốn chóng mặt líu lưỡi luôn. Cứ xíu lại sải một bước chân, chẳng mấy chốc hai cô gái đối nhau đã hái hết một luống trà. Mới đầu sọt trà trống huếch, một thoáng đã đầy ắp tự lúc nào, nặng chừng 8kg. Tốc độ hái trà nhanh như máy, luyện mấy mùa hái mới được. Mấy ngày đầu tập việc có khi chỉ được 20-30kg, hái chậm một tay, nhìn sang bên cạnh người đi trước có kinh nghiệm thế là tự thúc mình cố gắng hái nhanh hơn, đều hơn, phấn đấu mỗi ngày tăng từng cân. Thêm một cân là niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt, không chỉ tăng tiền công mà sự nỗ lực của bản thân được thể hiện trên kết quả rõ ràng.

Bà con khắp nơi nhiều người thích hái trà ở đây, có người Thái, Mường, Dao, Mông, Kinh vui vẻ, chan hòa, giao tiếp phối ngẫu, chỉ nhau làm việc, đố nhau tăng năng suất, động viên nhau hái chè tốt lên. Ai cũng làm nông có nhà, mảnh vườn riêng của mình, người trồng rau thả cá, trồng đào trồng mận, người nuôi gà nuôi lợn, chăm bò sữa… Họ nhiệt tình, siêng năng, yêu lao động, dễ học việc, bận này bận kia, tranh thủ khi trống việc đi hái trà trong nông trường, thu nhập rất tốt, dao động 500.000đ/ngày. Thế nên ai rảnh đăng ký hái liền, bận thì người khác thay thế, lên lịch công tác khoa học vô cùng.

Trên cao nguyên, trời càng nắng càng tốt cho nguyên liệu trà oolong. Gần 50 người làm việc hăng say không hề mệt mỏi, đi ngang nhau, sướt qua nhau, chạm vào nhau, cười với nhau. Người ra người vào đổ trà từ giỏ qua sọt lớn, đầy sọt lớn mang xuống bãi cân số lượng, đổ ra khay tời đều, đảm bảo nguyên liệu liền thân, không đứt gãy, dập lá, thừa lá, lọc những lá lỗi, chưa đạt tại chỗ. Toàn những thân trà 1 búp 3 lá căng non xanh tươi nõn nà, đều tăm tắp, đây là kết quả làm việc của bao con người chăm sóc, tưới tiêu suốt nhiều ngày tháng tận tụy. Khoảng 10 sọt đầy khay sẽ được 2 cán bộ bốc lên xe tải nhỏ chở về nhà xưởng tiến hành phơi hong trà. Có một cán bộ giám sát hái trà, chỉ định phạm vi làm việc từng ngày, điều hòa nhịp độ hài hòa giữa mọi người. Anh đi lại, nói chuyện, hướng dẫn người mới làm, pha chuyện tếu táo. Cả tập thể vừa làm, vẫn đầy sự tập trung nhịp nhàng, vừa nói cười rôm rả, tíu tít, có cả tiếng hát thanh âm vang lên, vang xa cứ như đi chơi hội, ngỡ như thời gian đang ngừng trôi.

Mộc Châu tiết trời mát mẻ, ôn hòa. Sáng dạy thấy sương giăng tà tà lãng đãng, bay xòa vào cánh đồng trà. Từ 7h sáng, công nhân nhà máy cầm máy thổi sương khô bớt lá trà khu vực hái chỉ định, để 8h mọi người tụ họp đông đủ, xếp hàng, lấy sọt, chọn mã số, vào luống, hái tới 15.30 mỗi ngày thì nghỉ. Trình tự công việc hái đầy giỏ, đổ sọt lớn, cân đong, đổ khay, bốc lên xe về xưởng diễn ra nhanh chóng như con thoi không ngừng nghỉ. Ngày mưa có thể hái chỉ 1.5 tấn/ngày, đẹp trời có thể đạt 5 tấn/ngày, thậm chí một số trà quý chỉ được 200-300kg/ngày. Mỗi vụ hái từ 15-20 ngày, chuyển dịch cuốn chiếu qua từng cánh đồng. Hết giờ làm việc, mọi người sẽ nhận tiền công theo ngày chiểu theo số cân thực tế đạt được, ai nấy đều vui. Thực sự phải nói rằng hái trà, đặc biệt trong các khu trà chất lượng cao, là một trong những công việc lao động tươi vui và giàu sức sống tôi từng gặp trong hành trình trà của mình.

Có tiền công, mấy anh mấy chú có khi vui quá, về nhà cất tiền ăn cơm xong, đem chai rượu với ít đồ nhắm, dọc theo con đường rải bê tông lên lại đồi trà, ngồi xuống cùng nhau nói chuyện tiếp, cất tiếng hát ca tự do yêu đời. Hết bài hát tiếng Kinh chuyển qua tiếng Thái, tiếng Mông từ lúc nào, có khi họ hiểu tiếng của nhau, một cách rất thú vị.

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TRÀ CỔ THỤ VÀ TRÀ CANH TÁC

Chúng ta bắt đầu uống trà do thói quen gia đình hay ảnh hưởng từ xã hội? Có bao giờ thắc mắc loại trà mình uống mọc ở đâu, ai gắn liền với nó, cách chế biến, môi trường sống của nó ? Biết thêm những điều này hẳn rất hữu ích giúp chúng ta tiếp cận khách quan đặc điểm, tính cách, sự hứa hẹn mỗi loại trà.

Năm 2012, tôi đi Quảng Châu, dành 3 ngày đầu thử các loại trà trong Triển lãm quốc tế trà Quảng Châu. Quả thực, từ Việt Nam đến đó tôi quá choáng ngợp ngay từ lúc bước chân vào hội trường, quá rộng lớn, quá nhiều các loại danh trà, ấm chén, hệ sinh thái nghệ thuật đi kèm. Riêng một loại danh trà thôi có hàng nghìn nhãn hiệu, đơn vị quảng bá, thử mòn mỏi, e rằng hết tháng hết năm chưa thu hết nhân gian vào mình. Đó là ngày đầu, qua ngày tiếp theo, tôi bắt sóng làm quen với mấy người Trung Quốc, già có, trẻ có, nói chung những người cởi mở về trà, sẵn sàng chia sẻ, kết nối. Chúng tôi dập dìu hẹn nhau tới các gian hàng, thẩm định và đánh giá, quỹ thời gian trở nên hiệu quả hẳn lên, rất vui! Ở một gian hàng, chúng tôi uống vài mẫu phổ nhĩ sống giới thiệu là cổ thụ từ Dị Võ, Bố Lãng, ngon lắm, có vẻ sẽ chốt deal. Tôi nói nhỏ với người bạn, một trong số ba loại trà trên hình như là trà cây thấp trồng canh tác, còn lại thì đúng. Họ thoáng chút ngạc nhiên, bởi con nhỏ ít tuổi người Việt danh tiếng trà không thấy, biết mấy về phổ nhĩ với cổ thụ, hỏi sao tôi nghĩ thế? Tôi không biết nói sao, chỉ bảo cảm thấy như thế này như thế kia, nhưng tôi biết rõ chúng khác nhau. 10 năm trước, sản lượng trà cổ thụ làm phổ nhĩ Trung Quốc chủ yếu từ Trung Quốc, chưa được dồi dào như hiện nay, nền công nghiệp trà chuyên nghiệp, tinh vi, kể cả việc đánh tráo các vùng địa danh, nguồn gốc thực sự thì việc nhận diện chính xác đúng loại trà cổ thụ các cấp độ với trà trồng, hay phối trộn 2 loại không hẳn dễ dàng với đại đa số người Trung Quốc. À mà tôi cũng chốt 1 bánh Bố Lãng, cổ thụ, sống, giá ưu đãi tại quầy, hân hoan sung sướng. Về nước đem theo cả vali trà các loại, năm sau tôi mới bóc bánh trà Bố Lãng pha uống. Ngẩn ngơ rằng vỏ giấy thì giống nhau, sao lõi lại khác nhau, nó là trà cây thấp canh tác, không phải cổ thụ.

Tôi uống trà vài năm trước đó, dần dần trà Việt Nam tự đi trực tiếp tới nhà dân làm tuyển mua từ nhiều vùng khác nhau trải dài khắp các tỉnh vùng miền. Việc uống chính xác theo địa danh, phân loại trường kì giúp tôi nhận biết được ngay trà cổ thụ và trà canh tác. Đó là cảm nhận dễ dàng thấu hiểu dù qua một vài từ ngô nghê thế này thế kia với những người có nhiều trải nghiệm chuyển dịch khách quan giữa 2 dòng sản phẩm này, nhưng rất khó diễn bằng lời nói, câu chữ cụ thể, chi tiết để bạn nắm bắt rõ ràng ý tôi muốn truyền đạt. Trong phạm vi bài blog này, tôi sẽ đưa ra suy nghĩ về cảm giác hồn nhiên, tự nhiên của mình về sự khác biệt, dùng những hiểu biết từ thực tế quan sát, va chạm, học hỏi lý giải nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt một cách tổng quan, đại cương, chưa đi sâu vào từng đối tượng chi tiết, bỏ qua một vài nguyên nhân phụ trợ.

Rừng trà Shan Tuyết Phình Hồ, Yên Bái

Trà cổ thụ (shan tuyết) tức là trà mọc tự nhiên trong môi trường đa dạng sinh học nhiều lớp thảm thực vật xen kẽ rải rác khu vực núi cao Tây Bắc, một phần Đông Bắc, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu tác động lên sự sinh trưởng của cây. Hầu hết khai thác cây trung tới già hàng trăm năm tuổi, thân gỗ lớn từ tầm bắp tay tới vài người ôm trọn, tán lá xòe rộng, vòm cao, độ cao từ 2-15-20m theo độ tuổi, đặc thù khai thác từng vùng. Hạt chè già rụng xuống mọc lên cây con, tuổi non vài năm tới vài chục năm, từ từ kế cận lớp cây anh chị. Cây khỏe mọc lớp lá non là người dân đi hái, khí hậu khó tính thì ở nhà, cây ít ra búp nghỉ hái để sau tính, không gượng ép thu hái. Tại Lũng Phìn trong một khu tập trung nhiều cây chè lớn, có 1400 cây/ha, sản lượng ở Lũng Phìn được xem là thấp do địa hình, thời tiết khó khăn, hái 2020 cả năm 3 vụ dao động 1.6 tấn trà tươi nguyên liệu đẹp non. Sản lượng trung bình hàng năm không cao, có sự dao động theo thời tiết, phản ánh chân thực bộ mặt của môi trường tự nhiên.

Cây cổ thụ thân cao ở Mường Khương, Lào Cai

Trà canh tác thâm canh tức là trà trồng theo hàng lối trên cánh đồng, triền đồi, triền núi từ những cây lai khác nhau phục vụ mục tiêu sản xuất đa dạng cho đối tượng khách hàng, thị trường, cho cả các loại trà khác nhau từ phân khúc bình dân, khá, cao cấp. Mật độ trà san sát cây này kế cây kia, hàng này nối tiếp hàng kia, uốn lượn như những dòng chảy ngang dọc, có thời điểm vào mùa thu hoạch, lá trà mọc cao, vòm trà đầy đặn, lá xanh mơn mởn, xa xa như những dải lụa đào bay phấp phới, đẹp đến mê ly chới với. Thân bụi, độ cao cây khoảng 45cm-1.1m, khoảng cách cây 40-60cm, khoảng cách hàng 1.3-1.7m, mật độ 18.000-30.000 cây/ha theo địa hình, tính chất sản xuất riêng. Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch hàng năm hái từ 4-10 lứa, sản lượng đồng đều, rất cao. Đồi trà oolong miền Bắc chất lượng tốt hái 4 lứa (quay theo 4 mùa) mật độ 25.000 cây/ha, một năm thu về khoảng 7.5 tấn trà tươi non. Một vùng trà cao sản sản xuất trà đen xuất khẩu, chất lượng tầm trung bình, mật độ 25.000 cây/ha, thu hoạch một năm gần 50 tấn trà tươi, hái 10 lần liên tục.

Đồi trà Long Cốc, Phú Thọ

Một vài thí điểm đơn lẻ ngẫu hứng so sánh:

Cùng trà xanh. Trà canh tác nước pha xanh hơn, lá nhỏ mỏng. Trà cổ thụ nước hướng vàng vàng xanh, lá lớn dày, búp to.

Cùng trà oolong xanh. Trà canh tác nước pha ra xanh hẳn, xanh lành lặn, thơm ngọt, hương sắc sảo, vị mềm thanh giữ đều qua 2-3 lượt pha. Trà cổ thụ nước ngả vàng nhẹ, thơm lấp lửng, độ bồng bềnh cao, lãng đãng, vị vừa chát nhẹ, đậm dần qua 2-3 lượt pha.

Cùng trà oolong đỏ. Viên oolong cổ thụ lớn hơn, màu mờ như bám lớp bụi mỏng, viên trà canh tác nhỏ, bóng sáng hơn, đều kích thước, pha ra hương sắc nét, mảnh, ập thẳng lên mũi, vị ngọt chát nhẹ êm hay ngọt thanh, vị rực rỡ nhất ở 3 nước đầu, nước 4-5 cảm nhận biên độ đi xuống nhanh hơn. Trà cổ thụ hương bảng lảng, bay bay, thơm nhẹ, biến đổi qua các lượt trà, vị ngọt chát, đa lớp, đôi khi khó hiểu.

Cùng trà trắng. Trà cây thấp búp nhỏ tròn, múp míp, lông tơ dày đặc, rất đẹp, hương hoa mộc thanh tao, nhẹ, di chuyển từ mũi qua tai, vị ngọt nhẹ, không chát, tập trung ở 2-3 nước đầu về cuối lại nhả chát nhẹ, vị nhạt đi. Trà cổ thụ búp thon dài, mảnh, có thể tròn nhẹ, đuôi lá nhọn, lớp lông tơ phủ nhẹ lớp mỏng, hương ngọt có thể như mùi lương thực vùng cao, hương the sâu gia vị phức tạp, vị ngọt chát, đổ đậm tròn vị, bền nước, ngọt sau cùng.

Tựu khái quát lại:

Trà canh tác lá đều nhỏ, ngoại hình đẹp, bắt mắt, hương rõ nét, có tính tập trung cao, đi thẳng vào mũi nhanh, gọi tên dễ dàng từ lúc thử uống ban đầu. Nhiều loại trà tốt, hương vị song hành nhịp nhàng cùng lên, cùng xuống xuyên suốt các lượt pha, biểu hiện trọn vẹn ở 3-4 nước đầu, sau đó đơn giản hóa dần các lượt sau. Loại trà này bao hàm sự phong phú, muôn màu khiến ta thỏa thê khám phá, trải rộng sải cánh tung bay, biết bao loại trà nổi tiếng, không loại nào giống hẳn loại nào. Trà xanh Tân Cương, Thái Nguyên rất khác với xanh Bảo Lộc, Lâm Đồng. Xanh Long Tỉnh và Bích Loa Xuân rất xanh, non, đẹp mà không giống nhau về ngoại hình và nhóm hương vị. Là oolong, Thiết Quan Âm An Tuyền khác với oolong Lê Sơn, Đại Vũ Lĩnh về màu sắc, độ vò, sự liên kết lá thân, hương vị. Oolong Đơn Tùng Phượng Hoàng có sấy cao nhiệt khác xa về màu sắc đối lập, hình dáng, hương độ gắt gằn với oolong Đại Hồng Bào.

Nguyên liệu trà non cây canh tác

Trà cổ thụ lá đều đẹp nhất vào vụ xuân, vụ khác có sự chênh lệch, lá dày, ương ngạnh, chế biến mất thời gian hơn. Hương trà khó định hình lúc đầu thưởng thức, có chút mơ hồ không biết gọi tên là gì, hương đi nhẹ vào mũi. Chúng ta thường nghĩ hương đi từ bên ngoài vào mũi, thực ra hương trà cổ thụ một phần hương đi từ miệng vào họng thông lên mũi rõ rệt hơn, tôi hay gọi là hương ẩn (hương chìm). Vị ngọt – chát thay phiên hoán đổi vị trí qua 2-3 lượt pha đầu, nét khác là sự phức tạp hương vị biến đổi tầng lớp qua từng lượt trà, không bộc lộ một cách trực diện như cây trà canh tác, đôi lúc đan xen ngay trong một lượt trà khi nóng một vị, nguội nhẹ một vị. Nhiều người không hẳn thích điều này. Hương bổ xung lằn lên vị, đổ đậm từ nước 4-5, nước 6 đạt độ trung hòa, lãng mạn, nước về sau giảm chát cứ ngọt nhẹ, ngọt mãi, ngọt nữa.

Nguyên liệu trà non cây cổ thụ

Tại sao lại khác thế? Có nhiều mảng đối lập đến thế? Không có câu trả lời nào đơn giản tuyệt đối, riêng rẽ cho từng thắc mắc, đó là sự kết hợp phức tạp giữa các yếu tố tác động qua lại lẫn nhau. Trước hết do giống, lai giống cây trồng. Có hàng trăm hàng nghìn giống cây trà khác nhau qua hàng chục nghìn năm lan rộng, bản địa hóa biến đổi đặc tính và được lai tạo bởi kinh nghiệm, nghiên cứu của con người. Mỗi giống mang đặc tính nhất định, khác ít khác nhiều như năng suất, khả năng chống chịu sâu bệnh, hình dáng màu lá, độ dày mỏng, lượng tinh dầu, yêu cầu độ khó chế độ chăm sóc, tính thích ứng địa hình – khí hậu, hàm lượng lông tơ bao phủ, nhóm hương… cả một thiên đường hoa mắt chóng mặt luôn. Tùy theo vùng địa lý, tập quán, mục tiêu để người làm trà duy trì cây địa phương đồng thời cải tiến lai tạo giống tiệm cận mục tiêu hướng đến hay người nghiên cứu định hướng lai tạo. Cây chè oolong có hương đặc trưng, cấu tạo lá dày, xanh đậm không thể lẫn với cây chè xanh trung du đậm vị. Giống trà Long Vân chất lượng cao chuyên làm trà xanh Long Tỉnh đuôi lá tròn hơn, vị ngọt hơn, thơm khác với giống trà xanh trung du lâu đời của ta.

Cây trà trồng hạt lâu năm ở Assam, Ấn Độ

Thứ hai là cấu trúc cây ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng, hấp thu, bồi đắp dinh dưỡng của cây trà. Cây chè canh tác thân ngắn, dễ chăm sóc, thu hái diện rộng, tỉa đốn định kỳ, kích thích lá mọc đẹp đồng đều, tăng sản lượng. Vùng núi cao người đồng bào để cây lớn tự nhiên, có một số vùng phát nhẹ tán cây trên cùng, hái khi lớp lá non nở rộ, sản lượng ít hơn hẳn. Xét công bằng trên cán cân giữa sản lượng và chất lượng, chúng ta không bao giờ có được tất cả, nhiều trà hơn thì hẳn phẩm chất trà phải kém đi, muốn ngon hơn thì cần đầu tư chăm sóc, không chạy theo sản lượng. Không có cách nào khác cả. Việc quy định dáng cây, tỉa đốn, thúc đẩy sản lượng phần nào khiến cây trà trở nên dễ bị tổn thương, ảnh hưởng tới sức khỏe cây trà, tới chất lượng trà.

Cây chiết cành – Cây gieo hạt

Bộ rễ – tán tầng lá là một chỉnh thể không thể tách rời, cộng hưởng tương sinh lên nhau. Trà cây thấp canh tác cao tối đa khoảng 1.1m, phân tầng lá ít, lượng lá trên một cây ít có bộ rễ ngắn hút dinh dưỡng ở gần tầng đất bề mặt. Cây trồng từ hạt sinh rễ cọc đâm sâu hơn, khỏe hơn, thời gian chờ thu hoạch lâu, tuổi thọ cao. Cây chiết cành sinh rễ chùm mọc lan xung quanh, tạo lứa đồng đều, chuẩn hóa, an toàn, kinh tế phù hợp mô hình nhân rộng sản xuất hiện nay, tiếp cận ít dinh dưỡng hơn, không khỏe bằng mọc hạt. Còn cây cổ thụ tuổi đời lâu, thân cao lớn 2-5m gặp nhiều, thậm chí có vùng để mọc hoang cao tới 20m đương nhiên bộ rễ cọc khỏe mạnh xuyên qua lớp đất nông cắm sâu vào đất ngầm, mạch nước bên dưới. Bộ rễ sâu, khỏe mạnh, lan rộng hút được càng nhiều dưỡng chất tầng dưới đẩy lên phát triển bộ tán tầng lớp lá lớn liên tiếp tăng cao khả năng quang hợp, trao đổi khí chuyển đổi khí, năng lượng trong môi trường hấp thu nuôi dưỡng cây. Cây có khỏe hay không là nhờ bộ rễ – tán lá, cây khỏe cây sẽ làm việc tốt, làm việc tốt thì nguyên liệu lá khỏe mạnh, tạo ra độ ngon và bền vững cho trà.

Thứ ba là yếu tố chăm sóc của con người. Cây trà cổ thụ sinh trưởng trong môi trường tự nhiên, không thúc ép sản xuất, được lớn, thở tự nhiên, tự quyết định phân bổ nguồn lực mọc lá đâm chồi nhiều ở đâu, ít ở đâu trên nền sức khỏe cá nhân. Mỗi cây là một cá thể riêng biệt, sản lượng thấp, lớn chậm, lá dày, tích tụ nội chất mạnh góp phần tăng độ bền vững trong hương vị trà. Trên bề mặt lá rừng rụng xuống khô mục có tác dụng như lớp phân xanh bón lót thương hiệu rừng núi. Cộng thêm môi trường sống lý tưởng hệ sinh thái đa dạng tạo nên mạng lưới nấm rễ cộng sinh phát triển cực kì đa dạng dưới các tầng lớp đất sinh ra nguồn thức ăn dinh dưỡng khác biệt thúc đẩy cây trà tăng trưởng về chất và lượng càng mạnh mẽ hơn. Tất cả các yếu tố tự nhiên làm nên một khu rừng từ thế giới trên cao xuống thế giới ngầm bên dưới gửi vào cây trà hơi thở và dưỡng chất tổng hòa tinh túy nhất của mình, vì thế trà cổ thụ biến đổi phức tạp, gai góc, âm hưởng vạn hóa trải qua nhiều hương vị lớp lang hoang dã như chính nơi nó sinh ra và lớn lên.

Mạng lưới nấm rễ cộng sinh

Ngược lại, trong đất khu trà trồng đã bị con người can thiệp canh tác, mạng lưới nấm rễ cộng sinh suy giảm một cách đáng kể, chất lượng đất đi xuống. Lượng lớn cây sống trên đất cần nguồn dinh dưỡng khổng lồ mới có khả năng tái tạo sinh trưởng thu hoạch liên tục. Con người cần cải tạo đất, hệ sinh thái dưới đất, tăng cường sự màu mỡ của đất nuôi dưỡng cây khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, mau lớn, mọc lá tươi tốt chuyển vào nội chất cây trà quyết định phần lớn tính ổn định bền vững cho hương vị qua nhiều lượt trà. Tiếp đến cung cấp phân bón, tưới tiêu bổ xung dưỡng chất, thức ăn thiếu hụt giúp cây trà cải thiện duy trì năng suất cao. Đồng thời chế độ phân bón tùy chỉnh cho các loại trà khác nhau, đẩy cao một số tính chất chúng ta hướng đến như giúp lá xanh hơn, mềm mượt hơn, ngọt hơn, giảm chát, béo ngậy hơn, thay độ nồng độ và gu hương thơm…. Phân bón quá ảo diệu và ngoạn mục, giữ sự tăng trưởng của cây, gia tăng tính tập trung sắc nét của trà thể hiện ở ngoại hình, định danh rõ hơn hương vị. Công cuộc cải tạo đất kết hợp tưới tiêu phân bón, kiếm soát sâu bệnh xây dựng trên mục tiêu rõ ràng, có lẽ điều đó trà canh tác mang tính khuôn khổ, định ước nhiều hơn so với cổ thụ.

Trà canh tác thâm canh đa văn hóa, màu sắc biến ảo phong phú, mỗi loại một sắc thái, đầy hấp dẫn và cuốn hút. Một trà cổ thụ mộc mạc, mạnh mẽ, trầm ẩn, nội tại bền vững. Mỗi loại đều tự vẽ nên vẻ đẹp riêng cho chính mình và tôn vinh dòng trà còn lại. Chúng ta sẽ chẳng thể nào hiểu hết tận cùng các góc cạnh của dòng trà này nếu như chưa từng mở lòng, dẫn sự hiểu biết tìm hiểu dòng trà kia. Và chúng ta hãy tự do chọn lựa loại trà phù hợp cho bản thân mình.

LŨNG PHÌN, ĐỒNG VĂN – DẢI ĐẤT TRÀ HUYỀN THOẠI (P2)

Về Sài Gòn, tôi thử trà, so mẫu, cân nhắc điều kiện chế biến của cụ già với hai hộ gia đình khác ở Lũng Phìn. Trà cụ làm được cháu gái sao khô, lên hương khâu sau rất đáng đầu tư nghiêm túc, thêm kỳ vọng tay nghề của cụ điêu luyện hơn nên tôi có nhiều câu hỏi cần làm sáng tỏ đồng thời tiếp tục việc thử mẫu trước khi quyết định chọn lựa sản phẩm cho mình. Xuân năm sau, liên hệ lại người cháu nhờ anh giúp làm cầu nối trao đổi với cụ thì nhận được tin rằng cụ sức khỏe yếu, không qua khỏi mới mất đầu năm. Nghe như sét đánh ngang tai, một con người sao trà tuyệt vời đất Lũng Phìn đã ra đi, tôi mới chỉ lại gần chưa kịp chạm tay. Một điều tiếc nuối bâng khuâng nghẹn lòng!

Không biết phải làm gì, dường như gần về vạch xuất phát, có lẽ lại bắt đầu cuộc tìm kiếm mới. Tôi có linh cảm tốt về vùng trà này trước khi thực hiện chuyến đi, lấn cấn lo nhẹ vì sao núi đá cằn cỗi vậy trà mọc nổi đây. Nhưng sau khi chứng kiến công việc sao chảo khó khăn chừng nào, lúc nhấp miệng miếng trà cảm hương vị, tôi có một niềm tin mạnh mẽ đây là vùng đất trà huyền thoại từ sự nỗ lực vươn lên trên cùng hoàn cảnh khắc nghiệt của thiên nhiên, khiến tôi cần phải kiên trì, theo đổi bằng được mục tiêu của mình. Một phần chưa nguôi ngoai, tiếc mãi nguồn trà ngon rất gần bay vuột mất, một phần lượng công việc diễn tiến xoay chuyển khá bận, có rất nhiều việc cần phải làm, những vùng trà khác nhau cần được phân bổ thăm ghé, chăm sóc và phát triển chất lượng trà, tôi vẫn nóng lòng không đợi nổi tới lúc trở lại, tôi gọi anh Pó lần nữa gợi ý xem vợ anh có thể làm trà được không? Rõ ràng chị có sức làm việc bền bỉ, sự chịu đựng sắt đá phù hợp với công việc này. Anh đáp không được, nhà chỉ có mình chị lo trông nom hai đứa trẻ con, lợn gà cám bã, trồng ngô cắt cỏ quay mòng suốt ngày, anh bận công vụ hay đi khắp xã huyện. Tôi chuyển hướng hỏi trong xã có ai có khả năng làm trà ngon, anh biết một chị người quen bà con xa. Ngẫm thấy bà con vùng cao rất hay, cứ phải hỏi chính xác, thổ lộ rõ yêu cầu chứ nhiều khi họ không nhanh nhạy cung cấp thông tin khi tìm hiểu một vấn đề nào đó. Không phải họ thờ ơ với câu chuyện, với mình mà họ vốn sống vô tư, không mưu cầu quá nhiều, dễ cười, dễ chấp nhận, chan hòa xung quanh. Kinh nghiệm nhỏ là phải lao tới áp sát, vui vẻ đừng tính toán thiệt hơn, từ từ sẽ đơn giản đi rất nhiều.

Lập tức liên hệ với một người làm trà mới – người đồng bào H’mông Trắng sinh ra lớn lên trên mảnh đất Lũng Phìn – tôi nói chuyện với chị với cả chồng chị nữa, giới thiệu bản thân, sự hiểu biết ban đầu và những gì mình đi qua, đạt được trong chuyến đi năm cũ, hỏi quá trình chị bắt đầu công việc như thế nào, lâu chưa, học ai sao trà, trà chị ngon không, ai bảo ngon….? Tôi nhận mẫu một tuần kế tiếp, chưa được như mong muốn song tốt hơn hai hộ trước tôi thử. Có điều tôi thấy thái độ chị rất trung thực, cầu tiến, chẳng từ chối nếu tôi thắc mắc ngang dọc, hỏi han sâu thêm.  Tôi tiếp tục chia sẻ, góp ý một số lỗi nhỏ của trà, đề nghị một vài phương án khắc phục dựa trên điều mình biết. Thậm chí, có nhiều thứ tôi không biết nói sao, chỉ diễn tả theo ý hiểu ngô nghê của mình cái tôi muốn đạt được, còn anh chị cần tìm cách làm ra kết quả như thế. Chị có lúc bắt sóng lờ mờ, từ đó dò dẫm cách này cách kia thử nghiệm, cứ thế một năm cải tiến kỹ thuật, trà ngon lên trông thấy. Con đường dòng trà xanh Lũng Phìn phát triển có thể tiến xa hơn nữa, không phải chuyện một sớm một chiều.

Tôi chính thức đặt trà cây cổ thụ già, chuyên sao chảo gang củi lửa. Trà này sao sấy vất vả, tốn nhiều thời gian, công sức, giá thành cao hơn khó bán chạy, sức người làm liên tục không xuể dễ sinh chán nản. Với suy nghĩ muốn chị làm nhiều nhuần nhuyễn, chú tâm nâng cao tay nghề, bớt áp lực đầu ra, tôi hứa ngoài lượng đặt hàng ban đầu, chị áng chừng lượng khách quen mua, còn lại thừa bao nhiêu tôi sẽ lấy hết toàn bộ, giảm phần nào gánh nặng cho chị.

Năm 2016, tôi thấy đến lúc quay lại Lũng Phìn, cho một điều mới mẻ, chạm đúng thời điểm. Giờ tôi sắp thành ma rừng rồi, tự bắt xe khách dọc tuyến chính, tới vùng trung tâm vùng trà thuê xe máy len lỏi vào rừng trà, cơ động đi đường mòn thuận tiện hơn rất nhiều, tiết kiệm thời gian, giữ sức mình, lúc khó quá thâm nhập vùng lõi hiểm trở là nhờ ngay người bản địa am hiểu dẫn mình đi. Ba năm sau, mảnh đất này khác trước ít nhiều, vài ngôi nhà mới xây, đường rộng hơn, quán xá hàng họ bày biện khu ngã ba chợ, nhà bên đường toàn lắp đèn cảm ứng, đi trong đêm sáng tối bất ngờ. Chúng tôi 3 người thồ nhau trên chiếc xe wave trắng phi lên thăm rừng trà cổ thụ, ghé ngang nhà cũ cụ già mù năm xưa trò chuyện với người nhà cụ một lát, thăm khu trà mới trồng sau này và một khu trà cổ thụ lân cận gần đó.  Bữa chiều ăn xong, chúng tôi bắt tay vào công việc luôn, ngạc nhiên đầu tiên là ngoài củi lớn nhóm lửa chính, nhiều khi chị lười đẩy vào vỏ lõi ngô đốt lửa cháy nhanh, thấy thế tôi giật thót mình, sợ bùng lửa lên cao cháy trà mất, ấy vậy mà chị canh lửa, tháo củi ra vào rất tài tình. Như vậy tôi biết chị gái này siêng năng, cần cù lắm, đôi khi được cũng có tí lười nhẹ xen vào.

Chị làm từ đầu tới cuối tầm 3 tiếng, từ lá trà xanh đổ chảo, diệt men, vò máy xong, đổ lại vào chảo gang sao khô lại dần dần. Nhìn thôi đã thấy mướt lắm rồi, đôi bàn tay chị cứ đảo lên đảo xuống, đảo qua đảo lại, mắt tôi căng ra nhìn từng chi tiết muốn ghi nhớ lại hết thảy công việc của chị. Cũng muốn thử làm mẻ trà khó nhằn này, tôi xin tự tay làm, tự nhủ mình không thể đứng ngoài cuộc lâu được. Than ôi! Sao chảo tức là xác định nhảy vào chảo lửa, dùng chính sức mình nhào nặn trên từng cọng lá búp trà, xoay vần tạo hình, được chạm, cảm nhận sức nóng vật lý một cách sống động, chân thực, thống khổ nhất. Lần trước sao lá trà đã khô tập tành không cẩn thận chạm bỏng tay, còn sao lá tươi khó khăn hơn bội lần, giống như đảo cơm, xào rau trực tiếp trên mồi lửa. Hơi nóng từ củi phầm phập, khói phả thẳng vào mặt vào mắt cay đỏ hoe, hơi nước bốc lên thốc vào thân mình xa xẩm mặt mày, sức nóng lá trà tươi thấm trực tiếp vào bàn tay nói hơi quá như nhúng vào nồi nước sôi. Lì lợm được khoảng 5 phút, răng môi mím chặt, chân tay người ngợm ngấm đòn, tôi muốn bỏ hết lại, không chịu nổi xìu luôn. Lần đầu thất bại thảm hại, tôi đực mặt ra xem chị làm tiếp. Hôm sau, tôi mua đôi găng tay dày tập tiếp, công nhận dù khá khó khăn với lửa khói rộp da và hơi nước nóng bỏng  tấn công, nhưng bàn tay đã thỏa mái đảo trà dễ dàng, trơn tru hơn. Bàn tay đeo găng được bảo vệ khỏi hơi nóng cũng mất đi cảm giác chân thực, thống khổ, khó phán đoán độ nóng thích hợp, sự biến đổi của lá trà qua từng giai đoạn, thiếu xúc chạm trực tiếp, cảm nhận kém tinh tế đi nhiều. Tôi vẫn tập sao trà chảo gang ở nhà chị hay hộ làm trà ở vùng khác nếu có cơ hội dù nhiều lần tay mỏi nhức tủy nhừ tử nằm quỵ thao thức không ngủ nổi. Tôi biết rõ vị trí và vai trò của mình, không sinh sống cố định tại chỗ vùng trà riêng rẽ nào, tôi không tập sao để trở thành người làm trà tài giỏi, tôi muốn hiểu và cảm nhận về lá trà biến đổi sâu sắc như thế nào qua cách thức, chế biến sản xuất biến tấu khác nhau, để từ đó tôi có thể giao tiếp với người nông dân làm trà theo ngôn ngữ của mình, tay chân cơ thể hay lối diễn tả dưới góc nhìn của trà, để sau cùng chúng tôi đạt được thành tựu tốt nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất. Thú vị ở chỗ cùng một phương pháp chế biến, hai người trong một gia đình có thể tạo ra hai hương vị khác nhau một cách tình cờ không chủ đích. Chúng ta có thể đồng hóa họ theo ý tưởng áp đặt cá nhân, nhưng đôi khi hay hơn là để cho họ làm một cách tự nhiên những gì họ tin tưởng, hứng thú với sự cổ vũ nhiệt thành từ chúng ta.

Lần đi thực tế này giúp tôi phát hiện điểm khác lạ là sau khâu vò trà, đáng nhẽ chị sẽ đổ trà lên chảo sao tiếp thì chị chuyển sang quay bom cũng đốt lửa củi. Bom quay gắn động cơ tự chạy, không cần tác động trực tiếp từ tay chân con người liên tục, giảm tải sự lao lực xuống sức nhanh chóng. Điều này cho thấy tầm quan trọng của những chuyến thăm cọ sát hàng năm giúp tôi quan sát, thu thập thông tin quý giá, đối chiếu kết quả thực tế, tích lũy dần kinh nghiệm hoàn thiện sản phẩm. Tôi yêu cầu sao toàn bộ trên chảo gang, không cắt gọt, thử thêm 1-2 cách đảo trà, tời trà trên chảo, phân loại chọn ra những mẻ ngon nhất lưu lại. Một buổi sáng thảnh thơi pha trà mẫu thưởng thức, nói chuyện vui tôi hỏi anh chị:

Trà ngon không chị?

Có ngon lắm em ạ

Ngon hơn trước không chị?

Ngon hơn đấy

Ngon hơn nhiều không?

Hơn nhiều đấy

Chị có thích ngon như này không?

Ừ, làm như này thì ngon đấy

Sau này cứ làm thế này nhé ?

Chị im lặng, không nói gì, mặt lảng đi chỗ khác, rồi quay lại nhìn tôi cười trừ.

Về Sài Gòn, như người rừng tiến vào thành phố, mặt đen lem nhem mà tôi tự tin trong tay có bảo bối mới khoe bạn bè. Lúc pha trà bạn tôi bảo về nhà bỏ gói trà năm cũ thôi, uống sao nổi. Không phải bởi trà cũ đi mà vì gương mặt mới của trà năm đó quá ấn tượng: hương thanh thoát hơn, giàu hương khoáng thạch, khói củi đượm nhẹ bám thả chút tảo biển, lớp sau rêu núi đá ẩm, gỗ ướt; vị trà không chỉ rõ vị, sắc nét, sâu chất cổ thụ như trước, nó vươn cao hơn đến độ phóng khoáng lan rộng ngay khi nhấp miếng trà nhỏ, tỏa ra khoang miệng cuốn sâu trong cuống họng thăm thẳm bền vững. Nói ví von hình tượng hương và vị trà như đang tạo nên cuộc thẩm âm trong miệng người thưởng thức.

Tôi hay gọi điện, tỉ tê với chị, phản hồi ý kiến vui mừng của khách hàng về loại trà đặc biệt của chị, nhờ chồng chị tác động, phụ chị làm việc giữ sức suốt mùa vụ. Trà nhận đóng gói theo từng mẻ riêng, uống dầm dề ngày này tháng nọ hết mẻ này qua mẻ kia, tôi nhìn lá khô, lá ướt nước cuối, so sánh với kết quả chị cảm nhận ở nhà, tìm cách thúc đẩy sự ổn định đồng đều qua các mẻ trà, động viên chị cố gắng sao tay toàn bộ hết sức có thể, mệt quá mới được quay bom tối đa 10-15 phút, kẻo trà bớt ngon, như vậy uổng công chị leo cây hái trà lắm. Mỗi lần hỏi chị vẫn cười nhẹ hì hì như thường. Có lúc cầm túi trà mở ra biết sao bom quá với yêu cầu, tâm trạng vừa bực vừa buồn, không biết nói gì luôn.

Lâu lâu xuất thần bứt phá mẻ trà ngon lạ, thách thức làm sao duy trì sự xuất thần ấy, biến nó trở thành cái đương nhiên phải có mỗi ngày. Tôi vẫn thăm anh chị hàng năm, kỉ niệm và sự gắn bó giữa chúng tôi ngày một khăng khít.  Tôi nhớ một lần trong đêm khuy lấp lóa lửa bập bùng, tôi đờ đẫn, mệt mỏi sau cả tối xuyên đêm làm việc luôn tay luôn chân phụ anh chị. Tôi quay ra hỏi chị gì đó, hình như chị không nghe thấy, tay vẫn trên chảo sao đều đều theo quán tính, mắt chị nhắm lại lúc nào không hay, chị ngủ gật, tay cứ làm trong vô thức, người kiệt sức sau ba mẻ trà dài liên tiếp. Chị gục xuống nhẹ giật mình, xấu hổ nói:” chị mệt quá em ạ”. Tôi thần người, lòng trùng xuống, liệu có phải tôi đã không phải với chị, liệu tôi có quá đáng khi liên tục dội áp lực lên chị – người phụ nữ nhỏ bé, hồn nhiên, cần mẫn – để tạo nên loại trà đặc biệt theo mục tiêu lớn của mình!

Thời điểm đợi trà rộ thêm 1-2 ngày, ba người chúng tôi làm tour xe máy đi một đường vòng cung Lũng Phìn – Đồng Văn – Mèo Vạc nguyên ngày. Đi một cách vô định, ngồi chơi ăn uống, nhâm nhi uống trà trên phiến đá bên đường, cạnh thác nước, ngắm cảnh thiên nhiên, nhà cửa, nói chuyện bà con dọc đường. Nơi đây quá đỗi nghèo khó, chỉ trồng ngô và ngô là cây lương thực thiết yếu duy nhất, nhà cửa xiêu vẹo, may ra có con bò, gà qué hiếm gặp bầy đàn, dân cư thưa thớt, có muốn làm gì cũng làm không nổi, khá nhất thường có chồng con đi lao động Trung Quốc về tích góp ít vốn cất ngôi nhà xây không cần mặc áo sơn màu. Mỗi người một cách nhìn, tôi không dá đánh giá họ thực sự khổ không hay đó là một gam màu khác trong cuộc sống. Họ nhỏ bé, luôn nhoẻn miệng cười, ít khi phàn nàn, sức lao động bền bỉ, dẻo dai. Dọc con đường  men theo triền núi, hai dãy đối nhau đan xen lớp lớp chạm nhau tận đáy sông Nho Quế xanh rì, vách núi cao dựng đứng nhìn xuống đáy sông thăm thẳm rùng mình, sảy nhẹ chân mạng người rơi rụng theo mây gió. Từ bên đường chính nhìn sang bên kia ngọn núi đối diện, dưới con đường mòn nhỏ đủ lách 2 xe máy, rẽ ngược lên phương thẳng đứng chếch nhẹ đến vài ngôi nhà nhỏ cách đó trông thì ngắn thế mà đi bộ tầm 45 phút, đường đã nhỏ nay còn nhỏ hơn, chênh vênh đáng sợ. Người dân kể bên đó gần trông vậy thôi mà xa xôi lắm đấy, họ thồ vật liệu xây dựng, cát, xi măng, đá tổ ong trên gùi nhỏ, kéo tấm mái nhà từ  chân đèo qua quãng đường đó. Bao nhiêu lượt thồ hàng trên lưng lầm lũi, không xe, không máy móc hỗ trợ, tất cả từ sức người, đôi bàn tay, đôi chân trần biến từ vách núi đá thành mảnh đất bằng phẳng, xây lên ngôi nhà cheo leo giữa rừng núi trơ trọi. Sao lại chọn nơi xa đường thế, gần hơn một chút cho bớt cực được không? Có những câu hỏi tôi không thể trả lời được, anh chị ấy cũng chỉ cười trừ khó giải thích.

Từ 2019, trà xanh sao chảo gang Lũng Phìn đã đạt tới sự chín muồi ổn định giữa các mẻ trà. Chúng tôi còn phát triển thêm một nét đặc sắc của loại trà này là độ gằn mạnh của dòng nước trà dầm trên lưỡi chạy thẳng vào họng sâu nếu pha nước mức vừa vị trung tính tới đậm, không đơn thuần mềm mại, mượt mà như nhiều loại trà xanh ngon chúng ta vẫn gặp. Cảm giác rất đã như đi xe máy trên đường đá gồ ghề, nhấp nhô nhún nhảy suốt quãng đường trải sức. Trà xanh Lũng Phìn thách thức, chơi đố trốn tìm cùng người uống để chúng ta bóc tách lớp lang, khám phá lẫn nhau theo thời gian.

Chúng tôi đặt tên trà Xanh Tiger Monkey theo tên 2 loài động vật trong 12 con giáp là Khỉ – Hổ ( Dần – Thân) tượng trưng cho 2 ngày âm lịch quay vòng diễn ra phiên chợ truyền thống ở Lũng Phìn, nơi người người khắp nơi trong xã tụ họp mua bán, trao đổi hàng hóa, nói với nhau câu chuyện vui, chia sẻ điều mắt thấy tai nghe lạ lẫm, nơi họ bán trà, uống trà với nhau quây quần, giản dị

Chúng tôi đã cố gắng suốt nhiều năm, tạo nên linh hồn cho một dòng trà, từ mảnh đất Lũng Phìn huyền thoại.

LŨNG PHÌN, ĐỒNG VĂN – DẢI ĐẤT TRÀ HUYỀN THOẠI (P1)

Thời gian 5 năm đầu tiên tìm hiểu, khám phá vùng trà Hà Giang, tôi khoanh 3 vùng ưu tiên: huyện Vị Xuyên với các vùng bọc quanh đỉnh Tây Côn Lĩnh; Hoàng Su Phì dàn trải hướng lên ngọn đỉnh Chiêu Lầu Thi; núi đá tai mèo phủ cao nguyên đá Đồng Văn. Tôi tin với địa thế cao vượt ngưỡng phổ biến, khí hậu lạnh kéo dài, địa chất thổ nhưỡng phong phú, khác nhau sẽ tạo nên những loại trà tuyệt vời, tất nhiên còn yếu tố kinh nghiệm và kỹ thuật con người góp sau cùng. Nói là 3 vùng trà lớn, tản rộng ra các vùng lân cận bắt đầu làm quen, tìm xới đâu đơn giản, tốn nhiều thời gian năm tháng, quay vòng khảo sát liên tục. Mỗi lần đi vùng trà đều ẩn chứa thách thức thú vị, mới mẻ cho chúng ta khám phá. Lũng Phìn là nơi tôi tiếp cận sau cùng từ 3 vùng lớn ở Hà Giang bởi xa và heo hút nhất. Tôi muốn chia sẻ câu chuyện tìm tới vùng đất ấy, không chỉ riêng chuyện trà mà còn được gặp gỡ con người hồn nhiên, sống trong đời sống bà con, du ngoạn trên chặng đường xuyên ngày đêm, giao hòa với mảnh đất hùng vĩ, kiêu hãnh này.

Qua vài nguồn thông tin, tôi biết có vài hộ làm trà có thể ghé thăm khá hứa hẹn. Đầu tháng 09/2013 là năm đầu tiên tôi khảo sát khu vực cao nguyên đá này sau hành trình dài 2 tuần trên chiếc xe Ford gầm cao. Từ Hà Giang rẽ theo QL4C qua Quản Bạ, Yên Minh dần chạm tới Đồng Văn. Ngồi trong xe ô tô, tôi cảm giác rõ rệt sự thay đổi độ cao dần qua những làn quanh co uốn lượn bo theo triền núi đá nhọn hoắt chổng thẳng trời xanh. Chỉ thấy đá và đá liên tiếp nối nhau lớp này chạy lớp kia, làn trước đan làn sau xen kẽ, ngoảnh lại sau lưng hay hướng nhìn phía trước vẫn là đá. Chúng tôi dừng xe vài lần mở rộng tầm mắt muôn trùng núi non. Cảm giác thật vĩ đại như bay lên thả bập bềnh, sóng sánh từ chóp đỉnh này qua đính chóp khác, giăng mắc trập trùng tựa như sóng biển đập mãi không ngừng. Đáng ngưỡng mộ những con người nhỏ bé khi sinh tồn và lao động vất vả trong điều kiện khắc nghiệt này qua nhiều thế hệ.

Từ QL4C rẽ theo con đường nhỏ tới Lũng Phìn lúc trời nhá nhem tối, nghĩ rằng sẽ nghỉ lại đêm nay bắt đầu công việc sớm mai, đáng tiếc nơi đây quá hẻo lánh không có một nhà nghỉ nào xung quanh, nghĩ bụng mình tôi thì dễ chứ 3 người xin quá giang nhà dân khá bất tiện. Tôi đề nghị lái xe thẳng tiến Mèo Vạc qua đêm rồi quay lại sớm hôm sau. Trước khi rời đi, tôi đứng ở nga ba đường ngó nghiêng, thấy 2 thanh niên ngơ ngác đi bộ nói cười, tôi chạy lại hỏi thông tin nhà ông cụ làm chè ở đâu, lân la làm quen, xin số điện thoại, hẹn 2 anh sáng hôm sau gặp lại rồi đưa chúng tôi lên đó. Có người bản địa đi cùng, sự lạ lẫm ban đầu không còn là chướng ngại khó khăn nữa.

Như đã hẹn, chúng tôi trở lại sớm hôm sau, 8h sáng đã có mặt tại Lũng Phìn từ Mèo Vạc. Gọi điện xong, 15 phút sau 2 anh xuất hiện mỗi người chiếc xe máy như 2 chàng bạch mã hoàng tử cười tươi roi rói từ từ tiến lại gần. Ba người chúng tôi chia 2 tốp, tôi và anh bạn nhỏ gầy hơn leo lên chiếc xe Win của anh Mông to con hơn, còn anh bạn to con hơn lên chiếc xe còn lại. Ôi thôi, quả thật sau ấy chúng tôi mới cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp và giá trị của đá núi Đồng Văn. Cả con đường dài gần 3km như trải dài vô tận, đường mòn chưa rải bê tông, toàn đập đá núi cứng ngắc rải ra, hòn bé nhỏ bằng nắm tay, hòn lớn to ngang đầu con chó tản khắp đường. Tôi ngồi sau cùng, xe lắc lên lắc xuống liên tục theo chiều thẳng đứng, dồn dập liên hồi đuổi bắt hơi thở từng nhịp, lâu lâu lắc đảo xe như muốn kéo ngã oạch cho xong. Chưa kịp hoàn hồn sau cú sắp ngã, anh trai lái xe chống chân thở lấy sức hỏi tôi ngồi được không, lịch sự do tôi người lạ thôi, quen xem chắc khỏi hỏi. Chỉ có thể hổn hển cười xòa với anh trai thôi. Rồi một phát anh rít ga lắc côn đi tiếp, sau quãng dốc ngược là lao xuống, cảm giác vi vu trên núi đèo xưa nay tôi trải qua nhiều nhưng dầm mình bầm dập trong khoảng yên ngồi chật hẹp quả rất thử thách. Chúng tôi ngấm đòn cộng chút buồn cười rú lên liên tục thể hiện sự phấn kích rần rần suốt quãng đường. Đột nhiên thấy anh chàng dừng xe đột ngột trước ngôi nhà nhỏ, gọi điện thoại kêu anh Pó – cháu ông cụ làm trà đi cùng cho vui. 5 phút sau, anh cháu tên Pó chạy ra vác xe tham gia cùng chúng tôi luôn, tôi chuyển sang xe anh liền. Lên vùng cao, nhiều phút ngẫu hứng xuất hiện làm kịch bản gia tăng cảm xúc liên hoàn.

Cuối cùng tới nơi, cả 6 người chúng tôi như một đội, ai cũng hớn hở, vui vẻ theo nỗi niềm riêng mỗi người. Từ chỗ để xe, cuốc bộ một đoạn ngắn là vào nhà cụ làm chè nằm san sát trong quần thể khoảng 3-4 ngôi nhà cách nhau vài bước chân, hình như anh em ruột thịt sống hòa thuận kế bên nhau. Vào cửa, rảo bước đón chúng tôi là vợ ông cụ, mời chúng tôi ngồi quanh bếp lửa đang cháy tanh tách từ từ đưa chuyện. Ngôi nhà quá đôi đơn sơ, cũ tối, chật chội là nơi 2 vợ chồng già sinh sống, cô con gái duy nhất gả chồng khá xa. Có 2 gian buồng nhỏ đủ kê chiếc giường bé xíu, góc bếp một chiếc chạn nhỏ đựng bát đĩa nồi xoong, sang bên kia đối diện là gác cất ngô sấy khô. Không TV, không một vật dụng từ thế giới hiện đại trong ngôi nhà này. Xung quanh nhà có khá nhiều gốc trà cổ thụ thuộc về đại gia đình, cùng sinh sống, hái trà sao sấy. Suốt nhiều năm, tiếng lành đồn xa nhiều người biết đến trà ông già mù sao ngon vô cùng, ban đầu cán bộ xã uống thích đem tặng cán bộ huyện, lan dần lên tỉnh. Hồi ấy 10-20 năm trước, giao thông đi lại khó khăn vô cùng, 100km xa nhau lắm rồi tưởng muốn chia tay luôn, vậy mà nhiều người mê trà ngon vị hương đặc biệt khác lạ của cụ phải quyết tâm vượt đèo lội suốt, rừng núi hiểm trở để lấy dăm ba cân trà, đâu hẳn dễ dàng. Tôi tự cảm thấy niềm vui lạ, lòng đầy khấp khởi, như mình sắp bước vào hang báu, sắp có điều gì tốt đẹp xảy ra. Ông cụ đã già, đôi mắt kém dần mù hẳn nhưng đôi bàn tay tinh nhạy cảm nhận rõ ngọn lửa bập bùng lớn nhỏ, tai nghe tiếng chè va thành bom lao xao khô dần. Từng chi tiết, từng câu chuyện của bà cụ cùng 3 chàng trai Mông cứ tự tuôn ra một cách tự nhiên, góp nhau ngẫu hứng, chân thật từ cái họ thấy kể về đời sống, lao động, lịch sử gia đình, sự khốn khó cũng như niềm vui bao năm qua cho đến công cuộc làm trà rất đáng tự hào một cách khiêm nhường. Tiếc nhất là ông cụ bị ốm, lâu lâu phát ra tiếng ho khụ khụ từ trong buồng nhỏ, nên chúng tôi không được gặp ông trực tiếp, đành chờ dịp khác.

Tôi ngỏ ý muốn mua ít trà cụ bà cho biết chỉ còn 2 túm ông làm từ tuần trước chưa sấy khô đánh mốc, mới kịp sấy khô cánh. Tôi khá nao núng vì bà cụ bận không sao khô ngay được, thời gian không phải thứ dư dật lúc này. Anh Pó cháu cụ liền đề nghị đem về để vợ anh sao tiếp, vợ anh cũng biết sao. Chúng tôi đồng ý vì đâu còn sự lựa chọn nào tốt hơn. Thấm thoát ngoảnh đi ngoảnh lại cuộc nói chuyện kéo dài tới 4 tiếng đồng hồ, tranh thủ ra sau nhà tham quan các cây chè, thấy khu vực làm chè riêng của ông cụ khá độc lập, thoáng đãng, dễ chịu. Có thể thấy sự khác biệt rất rõ cây chè Lũng Phìn so với nơi khác, sinh trưởng trên nền đá tai mèo siêu cứng, lượng đất bám thành ít ỏi, lượng mưa hàng năm rất thấp tới nỗi nước sử dụng hàng ngày trữ bể từ những cơn mưa, không hứng trực tiếp từ mạch nước ngầm thỏa thê thường gặp vùng núi đất đá màu mỡ khác. Cây chè mọc rất chậm, không phát triển mạnh về độ cao và kích thước nhiều. Lượng lá trà ít, lác đác bấu trên thân cây, không xum xuê, um tùm, tràn trề. Cây chè là một thực thể hòa hợp vào điều kiện khắc nghiệt ít nước, ít đất, bám sâu len lỏi ngóc ngách bắt rễ vào đá hút khoáng chất nhỏ giọt tồn tại, đấu tranh sinh tồn, chắt chiu từng cơ hội nhỏ nhất.

Sau đó, tụi tôi xin phép về nhà anh Pó bắt đầu công cuộc “tạo chè”. Nhà anh đắp đất, nhỏ loi choi giữa núi, cạnh đường mòn, trên mảnh đất cào bằng phẳng. Gia đình anh 1 vợ 2 con theo đúng chỉ tiêu của nhà nước bởi anh làm cán bộ cựu chiến binh xã. Chị vợ trước cũng phụ sao trà nên có chút kinh nghiệm, với lại người núi cao, lam lũ hay làm, kĩ năng cảm nhận của nhiều người nắm bắt khá nhanh nếu giải thích thật kĩ lưỡng cho họ. Thôi thì tôi đặt hết niềm tin vào người chị xa lạ này. Cái chảo nấu cám ngô trên bếp đổ cám ra nồi nhỏ, chị hì hụi rửa qua chảo, chà kì thật kĩ thật sạch mùi cám ban nãy, phải mất nửa tiếng mới xong. Trong lúc đó, mấy em nhỏ trong xóm tụ tập líu lo, ríu rít chơi đùa, tôi cũng hóng chuyện chút chít hỏi han, chúng hái hoa cài tóc, mặt mũi lem nhem, quần áo xộc xệch, cười tươi hơn mùa thu tỏa nắng. Quay vào nhà xem chị vợ hong khô chảo, đợi nóng cũng khá lâu. Đây là lần đầu tiên tôi tận mắt thấy quá trình sao trà trên chảo gang, chị đổ trà từ từ, rờ tay bề mặt dãn trà đều ra, chân chị đứng thẳng dáng chữ V lấy trụ, người gập xuống góc 90 độ liện tục không ngồi. Tôi cũng bắt chước chị cào cào một ít học hỏi cách sao trà, chợt lỡ chạm ngón tay vào chảo bỏng rộp giật bắn mình. Ngồi cạnh chị phụ này phụ kia một lúc mà tôi bắt đầu thấm mệt, quay sang thấy vẫn dáng đứng ấy, tay đảo đều nhịp nhàng, mồ hôi lấm tấm trên trán, nụ hười hiền khô. Sao trà nhìn tưởng đơn giản chuỗi hành động lặp lại không ngừng thế mà chẳng như ta nghĩ. Phải rất gần chảo sát trà, không quá mạnh vụn lá, không quá nhẹ thiếu lực tác động lá trà kém xoăn trở thô, không chạm tay vào chảo cháy da, không quá nhanh trà chín xổi kém sâu, không quá chậm trà khét mình, phải tập trung trong chảo trà, phải tập trung lửa nhỏ vừa, nhỏ quá tắt ngúm trà lì luôn, lửa to bùng vài giây cháy trà trong tíc tắc. Đó là bài học ấn tượng của việc sao trà chảo gang ngày đầu tôi nhận được.

Chị tiếp tục công việc của mình, tôi cùng bạn mình trao đổi công việc, chụp ảnh cũng như hỏi thêm một số thông tin. Trời đã quá trưa lúc lâu, mải mốt mới để ý thấy bụng đói, tôi đề nghị xuống chợ mua thức ăn về đãi cả nhà. Giữa chợ đi một vòng không có gì cả, họ đi nghỉ trưa hết rồi, hẹn tối nhé, có đồ cất đi rồi hỏi bán không chịu luôn, nghĩ thấy hậm hực thật. Lòng vòng qua lại may quá chúng tôi mua được ít đậu phụ và thịt lợn, hẻo hơn kỳ vọng bữa trưa thịnh soạn no say, nhưng có còn hơn không. Tôi và anh Mông nhanh chóng ra về kẻo mọi người đợi lâu. Lần này, xe vẫn xóc lắm, được cái mình tôi, cái yên xe dài hơn hẳn, đỡ nỗi khổ bấu víu. Tới nhà, anh Pó nhanh tay sửa soạn rán đậu, rang thịt, hái thêm ít cải mèo luộc chấm mắm. Cơm xong xuôi, chúng tôi nán đợi cho xong mẻ trà chị sao rồi mới ăn. Mẻ sao khô đánh mốc kéo dài hơn 1,5 tiếng cuối cùng cũng hoàn thành, chúng tôi háo hức ngồi vào bàn ăn nâng ly rượu mừng thành công rực rỡ ngày hôm ấy. Tiếng đũa, tiếng thìa leng keng, ly nâng ly chạm cạch cạch hòa cùng tiếng cười nói vang nhà. Bữa ăn luôn là niềm vui lớn, phần thưởng sau những giây phút giao lưu, tìm tòi mỗi ngày mới mẻ.

Cơm nước xong xuôi, tôi háo hức muốn pha thử chất lượng mẻ trà ra sao, nhưng không đủ thời gian, ấm chén nước non không tiện sẵn. Sau đó còn kế hoạch đi xem cây chè to ở dãy núi bên kia cách chừng 7km nữa. Thế là 6 người trên 3 chiếc xe máy xuống trung tâm quành qua con đường khác, đi dọc đường chính một lúc, đến nơi đỗ xe bên đường, đi bộ chừng 300m con đường mòn nhỏ  thì đến điểm võng đáy thoai thoải giữa 2 ngọn núi cao tương đối. Tôi thấy một cái cây chè gọi là to to, cao tầm hơn 5m, tán vòm tròn, chỏng chơ giữa trời, xa xa chỗ kia có 2 cây chè nho nhỏ cạnh nhau. Tôi trố mắt ngạc nhiên xác nhận lại có đúng là cái cây to anh đề cập không. Anh ấy gật đầu chắc nịch. Hớ hớ ! Thật là ngoạn mục, bất ngờ khác xa những gì tôi tưởng tượng. Đúng là cây chè to to thật vì sinh trưởng rất chậm và nó lớn hơn những cây ở nhà cụ già mù. Tôi nghĩ ít ra cũng vài chục cây chứ nãy giờ lơ thơ 3 cây giống như tôi đang đứng trời chồng, ngẩn người tò te. Thoáng chút bỡ ngỡ qua đi, hỏi thêm biết rằng trước đây mấy chục năm, cây chè phân bổ rải rác ở đây khá nhiều lên mạn triền núi cao bên kia, nhưng xứ đá cằn gai góc này nhìn cây chè đâu thể sống mãi được, họ đốn hết đi tra ngô trồng cải xen kẽ. Điều này có thể hiểu được, dân số ít, đất thịt quá ít không đủ trồng cây lương thực, cây rau, người dân ăn chính là mèn mén (bột ngô xay), đậu xị và rau cải mèo. Cây chè là một loại cây, bình đẳng như những cây khác trong núi. Trước khi họ đợi tới ngày kiếm tiền từ cây này có lẽ chết đói hết rồi. Ba cây kia vì sao giữ lại làm kỉ niệm hay làm gì thì 3 anh Mông cũng không biết nguyên do. Đi một đoạn nữa tôi thấy nhiều bụi trà mọc hoang, khá thấp tới bụng ngực người lớn mới canh tác hàng loạt tầm 20 năm tuổi. Cây lớn tự nhiên, không sử dụng phân bón hay thuốc trừ sâu. Kế hoạch này bắt đầu từ một cán bộ tôi không nhớ rõ tên, làm ở phòng nông nghiệp huyện, anh rất yêu vị trà Lũng Phìn, xót xa trước sự mất mát đốn chặt hàng trăm nghìn cây trước đây, nên anh đề nghị trồng lại hoàn toàn bằng hạt giống chè nơi đây, tái tạo lại cho tương lai một thế hệ chè khỏe mạnh, hương vị đặc biệt. Chúng ta phải cảm ơn anh rất nhiều vì những gì anh đã làm, đóng góp tăng sản lượng trà Lũng Phìn, quảng bá chất lượng khác biệt.

Tối hôm ấy, trong khách sạn ở Mèo Vạc, chúng tôi thử mẻ trà ban chiều. Tôi thực sự ngỡ ngàng một lần nữa, như khi ngỡ ngàng trước rừng núi đá Đồng Văn, loại trà này tuyệt vời quá, rất khác những loại trà xanh tôi thử trước đây. Nó nhả nhẹ hương khói củi, lửa ấm, vị trà nhẹ trước đậm sau, độ khoáng khá nhẹ, một chút tảo biển thì phải, hậu vị dai dẳng. Thực sự cảm giác đã khá lâu, nhưng để lại một dấu ấn mạnh mẽ rằng đó là những gì tôi đang tìm kiếm. Sự sung sướng, hài lòng kéo dài mãi, tôi ngồi mường tượng lại tất cả tình tiết xảy ra trong ngày, từ từ chìm vào giấc ngủ.

CÚ VA CHẠM LỊCH SỬ TRIỆU TRIỆU NĂM

Cây chè (trà) từ đâu mà tới? Từ vùng đất thánh nào hay một vị thần ngẫu hứng thổi phép hóa nên? Không. Chính xác là tự nhiên tạo nên mọi thứ và tự nhiên có thể sẽ lấy đi mọi thứ. Hôm nay, tôi muốn chia sẻ một sự kiện thú vị trong bài này, tiền đề dẫn đến sự có mặt một kỳ tích những cây chè tuyệt vời trên hành tinh

Nếu bạn biết tới thuyết trôi dạt lục địa.

100 triệu năm trước

100 triệu năm trước, Trái Đất có 2 siêu lục địa phân tách nhau khá rõ ràng. Laurasia ở bán cầu phía Bắc bao gồm Việt Nam hiện nay thuộc mảng Á Âu và mảng Ấn Độ, Úc thuộc siêu lục địa Gondwana ở bán cầu phía Nam.

80 triệu năm trước

Trong 50 triệu năm tiếp theo, mảng Ấn Độ và mảng Úc tách ra khỏi Gondwana, Mảng Ấn theo hướng Bắc nhắm thẳng vào mảng Á Âu lao đến với tốc độ nhanh đáng kinh ngạc, Úc theo hướng Đông Bắc điềm tĩnh hơn.

50 triệu năm trước

45 – 50 triệu năm trước, sau một khoảng chạy nước rút, không hề mệt mỏi, không thắng phanh nào cản nổi, mảng Ấn Độ đâm xầm vào mảng Á Âu sừng sững, to lớn đứng đó hiên ngang đón nhận. Rầm, rầm! Kinh hoàng! Chấn động địa cầu. Phải tua nhanh chúng ta mới thấy thước phim dữ dội ấy.

Lịch sử dãy Himalaya huyền thoại, huy hoàng bắt đầu từ đây trải dài 50 triệu năm. Hai mảng lục địa va chạm mạnh mẽ không khoan nhượng. Khu  vực tiếp giáp giữa 2 mảng này địa chất toàn đá cứng nên không bên nào chịu nhún nhường. Tiếp đó mảng Ấn Độ chưa dừng lại, lấn sâu vào trong đất liền. Rìa Bắc mảng Ấn Độ chui xuống phần cứng mảng Á Âu đẩy lên cao. Vỏ Trái Đất lồi lên, từng thớ đá, tảng đá ùn ùn leo thang dâng lên như hàng triệu quân lính tăng cường viện trợ liên tục, lan rộng khắp mọi nơi. Nhìn chếch phải là cao nguyên Thanh Tạng – mái nhà thế giới, ngoảnh lại sau bên trái là Sikim, Nepal.

Việt Nam chúng ta lúc đó vị trí khác xa bây giờ, dải chữ S quay trục ngang, miền Bắc nằm hướng Tây, miền Nam nằm hướng Đông. Miền Nam theo chuỗi phản ứng liên lục địa sau cú húc mạnh xoay theo chiều kim đồng hồ dần xuống hướng phía Nam. Một phần Phillipin lại gần hướng Đông Nam Á ngày nay hơn.

Hai mảng lục địa vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ùn ùn đẩy nhau lên cao, lên cao mãi, lên tới nóc nhà  thế giới Everest. Từ đó thả tầm mắt bao quanh chỉ thấy núi non hùng vĩ, sừng sững trải dài mãi mãi không bao giờ thấy đường chân trời, miên man băng tuyết trắng trời lạnh giá. Nếu như cánh tay ta như siêu cánh chim bay thỏa thích từ dải Ấn Độ xuyên qua tới Thanh Tạng chắc sẽ rụng cánh lả đi mất thôi, bay mờ mắt bay sao nổi đây. Himalaya rộng lớn, bí ẩn, vĩ đại thăm thẳm.

Cú va chạm lịch sử kéo dài 50 triệu năm kết hợp yếu tố quan trọng là Nam Úc tách rời hẳn Nam Cực đã tác động to lớn tới cả Trái Đất của chúng ta. Thay đổi dòng chảy đại dương, tăng lượng oxy trong đại dương, thay đổi hướng gió, lượng mưa biến đổi. Mọi thứ không còn như xưa, như 100 triệu năm trước. Suốt quá trình, động vật lẫn thực vật từ hai lục địa giao thoa, òa vào nhau, phối ngẫu phát triển. Có nhiều loài cây, con vật tuyệt chủng vĩnh viễn, cũng có rất nhiều loài tiến hóa thích nghi môi trường mới, cũng có nhiều gương mặt sáng giá mới xuất hiện.

Hiện nay

Thuyết được nhiều nhà khoa học nghiên cứu uy tín ủng hộ rằng cây chè lá lớn Assamica sinensis  xuất hiện trước tiên. Từ chân dãy Himalaya trải dài xuống Đông Nam Á, hình thành địa hình lý tưởng cho cây chè này xuất hiện và sinh trưởng. Độ cao 1000-2500m so với mực nước biển, nhiệt độ thấp, không băng tuyết, không quá cao từ, lý tưởng ngưỡng 13C-28C, đất đá dễ thoát nước, đất tốt giàu mùn chứa nhiều thành phần hữu cơ, khí hậu 4 mùa cân đối không quá khắc nghiệt. Chính trong khu vực này, tại điểm vàng giữa Xishuangbana giáp Bắc Myanmar với bắc Lào được cho là khu vực cây chè xuất hiện đầu tiên trên Trái Đất. Khi đó chưa có khái niệm ranh giới quốc gia, nhuốm màu kinh tế, sắc tộc, chính trị. Sau triệu năm tiến hóa, hạt chè rụng xuống mọc lên cây mới, lặp lại chu kỳ ấy từ từ lan rộng dần.

Điểm vàng hình thành và khu vực lan rộng cây chè

23.000 năm trước, qua nhiều khảo sát, phân tách DNA chứng minh cây chè chính thức phân tách thành 2 giống chủng lớn: cây chè lá to (Camellia sinensis var. assamica) và cây chè lá nhỏ (Camellia sinensis var. sinensis) thông qua quá trình lan rộng, bản địa hóa thích ứng với môi trường khác biệt mới. Loài người trở nên thông minh hơn, những tộc người thiểu số bắt đầu sử dụng cây chè với mục đích khác nhau, họ đem hạt giống theo cuộc sống du canh, du cư qua nhiều thế hệ lan rộng theo nhiều hướng qua phía Nam Trung Quốc, men xuôi dòng chảy Mekong sâu vào Myanmar, Lào, xuống Thái Lan, đồng thời hắt qua Tây Bắc tràn mé Đông Bắc Việt Nam, theo một cách tự nhiên, trước khi lan rộng khắp thế giới trở thành một ngành công nghiệp thế mạnh.

Tương lai

Theo dòng chảy triệu triệu năm, mảng lục địa chưa ngừng nghỉ, vẫn tiếp tục lộ trình liên tục của mình. Mảng Úc điềm tĩnh theo hướng Đông Bắc gom Nhật Bản chạm Hàn sáp nhập vào Trung Quốc và Đông Nam Á, biển Đông thành biển nhỏ không còn là đại dương sau 50 triệu năm nữa. Cây chè sẽ tuyệt chủng, trước đó. Sau 75 triệu năm, toàn bộ bo lại nguyên khối, đất gặp đất, biển Đông biến mất. Việt Nam bé xíu co lại. Khí hậu thay đổi ghê gớm. Sau 225 triệu năm, 1 siêu lục địa khổng lồ hình thành, thời kỳ băng hà khủng khiếp xảy ra khắp nơi. Loài người tuyệt chủng.

Có một thực tế không thể chối cãi là không cần đợi lâu đến thế. Nếu tiếp tục cách sống – sản xuất như hiện tại không có sự điều chỉnh trước những biến đổi khí hậu nghiêm trọng trên hành tinh cộng với sự ô nhiễm rác thải. Con người chính thức bị xóa sổ trong vòng 150 năm tới . Sau đó hành tinh sẽ nhẹ nhàng tái tạo lại một cách tươi đẹp, không cần tới loài người. Tất nhiên các mảng lục địa vẫn mỉm cười chuyển động.

ĐƯỜNG ĐẾN TỚI TRÀ XANH BAMBOO DREAM

Rất tình cờ, không hề chủ đích, tôi tìm ra và đặt loại trà đặc biệt này vào bộ sưu tập Trà Xanh Hatvala.

Năm 2011, chuyến đi đầu tiên của tôi đi Hà Giang hướng tới Thượng Sơn, Vị Xuyên.  10 năm trước, Hà Giang khác bây giờ nhiều, Thượng Sơn là nơi nào đó heo hút, tận cùng trời, không mấy ai ghé thăm. Từ quốc lộ rẽ đường lên cheo vẻo rải đá trong mùa mưa trồi sụt, nhấp nhô. Xe khách không, du lịch tiện ích chưa phát triển, tôi lân la hỏi xin đi nhờ xe máy hai chị giáo viên cấp 2 từ sáng sớm. Dọc đường ngồi sau chị gái, người xóc long sòng sọc ngả nghiêng theo từng ngã rẽ, tội nghiệp chị, thấy chị muốn oằn cái tay luôn.

Năm ấy, tôi 23 tuổi, một trong những lần đầu tiên tranh thủ tuần phép ngắn ngủi từ Hà Nội ngược 1-2 vùng trà rừng núi tìm hiểu ban đầu, phương tiện phụ thuộc, một mình lang thang tự dò dẫm, đôi chút hoang mang không biết bắt đầu từ đâu, đêm nay ngủ chỗ nào, với ai, đều lựa tình hình nương trú an toàn.

Dừng ở trung tâm xã, lang thang rảo bộ hỏi thăm được một hộ gia đình làm trà, tôi nhanh chóng tìm tới, lòng đầy hứng khởi vui mừng. Vợ chồng anh chị làm trà rất cởi mở, thân thiện, trả lời mọi thắc mắc của tôi về cuộc sống, công việc, thu hoạch, quy trình, chủng loại, so sánh … nói chung là mọi thứ tôi có thể nghĩ ra vào lúc ấy. Tôi ở lại nhà anh chị xem trực tiếp công việc chế biến chè xanh, chè vàng, ngủ cùng con gái hai anh chị, cô bé rất đáng yêu, dẫn tôi đi chơi khi nghỉ ngơi, gặp người này người kia. Ở Thượng Sơn hồi ấy không có nhiều người làm trà như bây giờ, phần lớn phơi chè vàng bán rẻ đi Trung Quốc. Hỏi nghe nói đi lên cao hơn tầm 8-10km có ông cụ làm chè xanh ngon lắm, vâng chính xác là đường rừng chứ không phải như thành thị chúng ta đi đâu, mùa mưa có thể mất 3-4 tiếng mới xong. Sâu vào thêm tôi có cảm giác như đi vào rừng già, thoáng chút hốt hoảng trong lòng, gặng hỏi có xe ôm không, không. Ráng đứng bên đường hy vọng có ai rượt qua xin ké, cũng đâu ai tiềm năng. Liều lĩnh lúc này không hẳn là ý hay, tôi quyết định quay về huyện sau khi xin liên hệ, mẫu chè đầy đủ hai anh chị kể trên. Lại sau xe máy giáo viên trên này về nhà, được cái lần về là anh giáo viên tay lái cứng hơn, thảnh thơi ngắm núi non.

Qua nhiều năm, trải qua nhiều chặng đường khác nhau, tận 2018 tôi quyết định trở lại vùng đất này, tìm cho mình những điều dang dở. Cơ sở hạ tầng tốt lên nhiều, đường dải bê tông có thể đánh lái xe trong đêm, có điều mùa mưa vẫn chồi sụt, đi bộ dắt xe máy như thường. Liên tiếp 2018-2019-2020 tôi lên đây với mục tiêu ban đầu là Phổ Nhĩ Sống dẫn dắt qua Trà Trắng Chồi Xuân tuyệt hảo. Xét về điều kiện tự nhiên Thượng Sơn nối lên đỉnh Tây Côn Lĩnh cao nhất Hà Giang, càng lên cao lại có những khu trà lên lỏi kín đáo phủ thấm màn sương giăng phủ quanh năm, số lượng cây lớn, già khá đồng đều, một số cây to lớn rất “cổ thụ”, nội chất mạnh mẽ, bền một cách vững vàng. Tự nhiên ưu đãi quá tốt, cái còn lại là bàn tay con người, ở đây tôi thấy nhiều người có kinh nghiệm về các loại trà, chịu khó, hay hơn là cầu tiến, nhiệt thành. Một buổi chiều tháng 4/2020, đang thăm vùng trà nguyên liệu của anh bạn làm trà, thong thả tôi chợt hỏi anh về trà xanh nơi đây, vậy là hướng mới đi thăm họ ngay trước khi tối trời quá muộn. Ghé 3 nhà, nhưng ở đây tôi chỉ tập trung vào nơi ấn tượng ngay từ những cái ban đầu. Xa xa ngôi nhà gỗ cheo leo một nửa bên trong ngả áp sườn núi, nửa bên ngoài đỡ trên những cột trụ đóng thoải xuống theo thế núi, cách con đường làng men theo lối nhỏ trái tầm 30m. Bước vào là hiên nhà hẹp kéo dài, qua vách ngăn là gian nhà lớn chạy song song. Khi ấy, gần 5h rồi, trời nhá nhem tối, đèn chưa bật, duy nhất ánh sáng hắt qua khung cửa sổ tỏa nhẹ không gian mờ chiều, quây quần quanh bàn là 3-4 người đàn ông vừa nói chuyện nhẹ nhàng vừa uống trà. Bàn trà đơn giản đặt cạnh tường gỗ ngay ô cửa sổ nhìn ra thung lũng rộng lớn, mang phong cách riêng, không phải làm từ gỗ quý đắt tiền, mà thiết kế có ý đồ cho người uống trà tiện sử dụng. Trên cùng là mặt bàn trà, dưới phía tay trái có một vách ngăn dọc vừa vặn phích nước nóng, qua bên phải chia làm 2 tầng kéo dài, kệ trên để khay ấm chén pha trà và hũ trà nắp chặt giữ hương, kệ dưới tôi quên mất để gì rồi, nhưng cơ bản là có lý lắm. Lúc chúng tôi ngồi xuống, chú chủ nhà khoảng 50 tuổi lấy 2 chén mới ra, tráng nước nóng cẩn thận mới rót trà ra. Tôi liếc mắt nhanh, chén trà rất sạch, ko lẫn mùi tạp, quay ra cười, nói nhẹ anh bạn: “uống nhé anh”.

Uống xong một hớp, hứng thú tôi hỏi chú:

Ai làm cái bàn này hả chú?

Nhà chú tự làm thôi, kiếm gỗ về đóng.

Có ai chỉ chú cách đóng bố trí như này không?

Không, để sao cho gọn dễ dùng thôi.

Để cho dễ dàng, một người đồng bào có bao giờ xuống núi đàm đạo trà lại sáng tạo như vậy thì cháu nể chú lắm luôn.

Ngồi uống trà của chú, ngon thật, mãi sau nhạt bớt tôi xin phép tự pha, chú đồng ý liền. Ồ, ngon thật ngon, tôi pha theo cách của mình, bóc lớp hương nhẹ rồi đậm, rồi nhạt, rồi kéo dài xem độ bền mấy lượt. Rất xanh, ngọt nhẹ, sóng sánh khoang miệng, đặc trưng hương vị cổ thụ, giữa mạ non, đậu cove, cỏ lá nền nã mà đằm sâu, hướng tới cân bằng không thiên gằn mạnh, khúc khuỷu. Sự phấn khích từ người đàn ông này, sự hấp dẫn từ loại trà này tăng dần, tôi ướm hỏi đi thăm khu chế biến trà của chú. Đi liền, qua gian sinh hoạt chung lớn của gia đình dọc theo chiều dài ngôi nhà tới một khu lớn vừa, 2 cánh cửa so le tạo độ thoát gió gian phòng. Nếu không nhầm, có 4 bom quay cỡ nhỏ, quanh nền đất tráng men bóng sạch, khi sao trà bắt buộc trải bạt lên, đi dép riêng, nền nhà lau sạch hàng ngày mùa trà, hoàn toàn sao củi già. Chú và 2-3 người con trai cứ tối qua thay nhau sao trà, không tham số lượng nhiều, chỉ mua lá chè tươi từ thôn cao nhất Thượng Sơn, làm một lượng nhất định trong ngày, không diệt men mẻ cuối quá 12h đêm giữ độ tươi – sống của lá chè. Giữa rừng thế này, người đàn ông có tiếng nói lớn nhất trong gia đình, quyết đoán ẩn trong vẻ hiền hòa, sức khỏe ngang trâu mà chú từ chối mở rộng quy mô, tăng sản lượng và thu nhập dù có thừa cơ hội. Chú thật sự đáng ngưỡng mộ! Lướt nhanh không gian làm việc, mọi thứ sắp xếp gọn gàng, dễ thao tác, bộ motor cải tiến hộp số và điều chỉnh thời gian kiểm soát hiệu quả cao. Thì đây, trước mặt tôi là một người vô cùng thông minh, biết mình đang làm gì, muốn gì, dừng ở đâu. Đó là một viên ngọc sáng trên núi rừng đại ngàn Tây Côn Lĩnh.

Suốt một năm trải nghiệm loại trà xanh thú vị này, rất ngon, sâu sắc, tuy nhiên tôi vẫn thưởng thức một mình, chia sẻ cùng vài người bạn. Bởi lưỡng lự mình đã có kha khá các loại trà xanh trên kệ và phiên bản hạn chế, liệu có quá nhiều khi thêm một loại nữa không. Sau cùng tôi thấy rõ ràng trà xanh Việt Nam hay lắm, rất khác, đầy đủ cá tính đa dạng, đủ sức mạnh khẳng định giá trị riêng của mình. Càng nhiều người nước ngoài chú ý tới trà Việt Nam hơn, dám thử loại trà khó nhằn này. Tại sao không đẩy trà xanh cho tới đi, cho thành một vòng hấp dẫn mạnh mẽ. Vì thế tôi quyết định gọi tên Bamboo Dream cho Trà Xanh Thượng Sơn, Hà Giang ngay xuân 2021, không thể chần chừ hơn.

Để biết thêm thông tin hay thử Bamboo Dream click ngay:

Việt Nam: https://hatvala.vn/products/tra-xanh-bamboo-dream

Quốc tế: https://hatvala.com/green-tea/bamboo-dream-green-tea

Bộ Ảnh Đồng Bào Vùng Cao

Trên chặng đường tìm kiếm, khám phá thế giới trà Việt Nam hơn 10 năm qua, mục tiêu là đến với cây trà, lá trà. Chúng tôi nhận được một phần thưởng vô cùng quý giá theo một cách bất ngờ. Đó chính là con người! Qua bao con đường, vắt qua thác suối, gõ cửa, ăn cùng – ở cùng, tìm kiếm sự giúp đỡ, làm việc cùng người đồng bào H’Mong, Cờ Lao, Dao Đỏ, Dao Tiền, Tày, Nùng, Dáy…chạm vào và ngắm nhìn cuộc sống bà con nơi vùng cao xa xôi, rất đỗi hồn nhiên, đơn giản, hòa mình với thiên nhiên.  Không có họ, không có Hatvala với những sản phẩm tốt đẹp như ngày hôm nay. Tôi mong chia sẻ với mọi người khoảnh khắc đẹp mình từng bắt gặp, ghi lại qua những tấm hình con người nơi đây

ĐƯỜNG MÒN LÊN RỪNG TRÀ

Muốn tận mắt chứng kiến cây trà cổ thụ, là tách dần khỏi đường quốc lộ men theo đường nhỏ, rẽ vào lối nhỏ đường mòn dốc ngược lên đỉnh núi, cứ đi mãi đi mãi tới tận cùng trời mở toang ra một thế giới mới. Hết cánh cửa này mở ra một cánh cửa khác thử thách sự kiên trì và sự hứng thú của mỗi người yêu mến vẻ đẹp cây trà rừng này. Không phải lúc nào đường đi cũng dễ dàng vượt qua. Ôi những ngày mưa rả rích, đường chưa kịp khô, bùn lầy dính be bét, xe muốn đổ quỵ liên tục, cứ bãi bùn lầy lại dắt bộ, tới độ cảm thấy ngày mai không bao giờ tới. Rồi những hộc đá nhấp nhô gầy lên con đường tự tạo khắc phục tạm thời giao thông phố núi như “say no” với những chiếc xe ô tô gầm cao. Thuở ban đầu là chúng tôi thuê xe ô tô tới cận núi rồi lựa tình hình bám theo bà con đồng bào đi sâu vùng trà, nhưng sau này khi đã thông thuộc địa phương, tôi tự thuê xe máy, men sâu vào những hang cùng ngõ hẻm đầy mới lạ thú vị, chạm tới đỉnh cao cây trà, hòa cùng đời sống người dân nơi đây. Đó là những trải nghiệm ý nghĩa, tuyệt vời của tuổi thanh xuân.

TRUYỆN TRONG LỊCH SỬ: NỀN MÓNG GIỐNG TRÀ SHAN Ở ĐÔNG DƯƠNG

Dựa vào số liệu, ngày tháng, thông tin chính xác từ nguồn chính thống trong kho tài liệu lịch sử Pháp. Nội dung và tình tiết được tường thuật lại qua sự hình dung của Nguyễn Thu Ngọc

Hơn một trăm năm về trước…..

Sau nhiều cuộc thám hiểm, khám phá Nam Trung Kỳ, cao nguyên Lâm Viên (hay còn gọi cao nguyên Lang Biang, cao nguyên Đà Lạt) là nơi khó thâm nhập nhất, đồng thời cũng là nơi người Pháp đặt nhiều tham vọng nhất trong khu vực. Cuối những năm 1920, chính quyền Pháp cho xây dựng con đường nối Sài Gòn lên cao nguyên Lâm Viên. Trong khi xây dựng, họ tình cờ phát hiện một hướng đi mới xuyên qua B’Lao – nơi thời tiết mát mẻ, ôn hòa lý tưởng cho việc canh tác, chăm sóc trà hơn so với một số tỉnh ở Tây Nguyên lúc bấy giờ, nhưng mặt khác B’Lao có độ ẩm khá cao, dễ sinh ra nấm gây bệnh phồng lá. Cách khắc phục khi ấy là tăng khoảng cách giữa các khóm bụi trà có vẻ không khả quan lắm, gây lãng phí diện tích, giảm sản lượng thu hoạch.

Trạm Nghiên Cứu Nông Lâm Nghiệp Phú Thọ do người Pháp thành lập, sau một thời gian ngắn nghiên cứu phát hiện giống trà Shan có khả năng chống chịu bệnh phồng lá rất tốt.

Trong một diễn biến khác, theo một nguồn tin xác đáng Trung Quốc thời nhà Thanh có rất nhiều người Trung Quốc, vốn có kiến thức sâu về các giống chủng trà, vượt nghìn trùng xa xôi tới Lào, Miến Điện mỗi dịp đầu xuân, tìm đến những ngọn núi cao nhất, ngay tại đó đốn thân cành xuống, nhặt hái những búp non, chế biến nguyên liệu tươi, sau đó trở về nước, sàng lọc và đóng thành phẩm. Loại trà này phủ lớp lông tơ tuyệt đẹp, mơ màng, chỉ ngoại hình thôi đã hút hồn ta ngay từ cái nhìn đầu tiên, hương vị thì chao ôi, thơm đến khác lạ đầy mê đắm. Những bậc vua chúa hay nhân vật quyền lực mới có cơ hội sở hữu, thưởng thức một trong những loại trà độc nhất vô nhị này.

Vì thế, người Pháp muốn tiến sâu về giống Shan tại Lào, sau đó nhân rộng ở B’Lao, tăng cường nền công nghiệp trà trên thế giới.

Tại Trạm Nghiên Cứu Nông Lâm Nghiệp Phú Thọ

1928, Robert Pasquier người đứng đầu Trạm Nghiên Cứu Nông Lâm đi Xieng Khouang (người Việt còn gọi tên Trấn Ninh), mua về mẫu hạt giống trình lên Nha Nông Chính Thời Pháp. Họ quyết định triển khai dự án nghiên cứu ở Lào ngay lập tức. Albert Marseille – một kỹ sư nông nghiệp – được phái đi Xieng Khouang chịu trách nhiệm trực tiếp nghiên cứu, khai thác cây chè Shan cổ thụ, mở vườn giống ngay tại bản địa. Albert sẽ được tiến tới vùng đất mẹ trà Shan, nắm trong tay cơ hội lớn nhất tiếp xúc đặc tính nguyên thủy chủng trà Shan. Anh có toàn quyền quyết định, hành động, thâm nhập lãnh địa này từ phía đông dưới chân Tây Tạng tiệm cận hướng ngược lên núi cao Miến Điện giáp ranh núi cao đất Lào. Anh sẽ thu thập mẫu các loại hạt giống, cây con, vẽ bản đồ hình thành cung đường cây trà cổ thụ.

Hãy tưởng tượng, nếu như hiện tại chúng ta du ngoạn dọc cung đường rừng núi trập trùng, khúc khuỷu, chinh phục những đỉnh núi, vách núi dựng ngược đất trời, sẽ thấy bản thân mình thật mạnh mẽ, thì hơn 100 năm trước, mọi thứ chẳng hề đơn giản là vượt qua chính mình mà là sự kiên gan, dũng cảm, liều mạng, bản lĩnh vượt rừng thiêng nước độc. Các loài hoang dã hổ báo, tê giác, rắn rết rình rập phập bất thình lình, côn trùng và các mối hiểm nguy gây bệnh giăng mắc khắp nơi. Tự lần mò sâu thẳm trong rừng nhờ hướng gió, mặt trời, la bàn theo kinh nghiệm tự thân. Thần chết kề bên sát cánh nở nụ cười, nháy mắt thường trực, cần cái xuất hiện liền.

Đây là cuộc thám hiểm đầy thử thách, gian nan, hứa hẹn máu đổ cắt thịt nhưng tuyệt vời tràn đầy tham vọng kéo dài từ 1929, 1930, 1931. Albert mất 15 ngày xuất phát từ Hà Nội chèo thuyền, ngồi xuồng theo dòng sông Cả qua Nghệ An – Hà Tĩnh cưỡi ngựa, cưỡi lừa xuyên dãy Trường Sơn qua Cánh Đồng Chum (Plain of Jars) tiến sâu vào Xieng Khouang.

Hái trà tại Xieng Khouang, Lào

“ Từ nước Pháp văn minh xa dần đô thị, tôi hòa vào rừng núi Đông Dương, tôi đã yêu cảnh vật tĩnh mịch, yên lặng của rừng núi một cách nhẹ nhàng, tự nhiên. Tôi nhìn thấy vẻ quyến rũ của rừng sâu rộng lớn, khám phá một thế giới phong phú, đa dạng các loài nhiệt đới ẩn sâu qua tầng lớp tán rừng. Từ đó trân trọng những niềm vui rất đỗi giản dị, sự chào đón nồng ấm, ngọt ngào từ người dân xứ xở này, họ sống bình yên rải rác từ thung lũng tới tận núi cao với nếp sống thuận theo tự nhiên, tự cung tự cấp thức ăn, vật dụng thiết yếu. Tôi hiểu được một nền văn hóa truyền thống khác, lắng nghe những câu chuyện cổ tích mộng mơ, cảm nhận một cuộc sống tràn đầy niềm tin Phật giáo thuần khiết. Cuộc đời tôi, đã thay đổi, theo một hướng tốt đẹp hơn rất nhiều”.

Albert tìm tới được hai dãy núi lớn là Phou Sang và Phou Kobow có nhiều mẫu cây trà cao lớn tầm 15-20m, tán cây mịt mù trong tầng mây trắng phủ núi cao. Dân cư chủ yếu là người Mèo, họ kiếm tiền chủ yếu từ cây anh túc, tập trung sinh sống ở độ cao 1500m-2000m so với mực nước biển, họ sợ cái nóng nực dưới chân núi.

Với tất cả nhiệt huyết, niềm tin, nỗ lực không ngừng nghỉ, vận dụng tất cả khả năng có thể, thậm chí có lúc tưởng chừng như bị đầm lầy nuốt chửng cả người lẫn ngựa theo nỗi tuyệt vọng tột cùng. May mắn thay, anh đã thoát chết ngoạn mục vào phút chót, đáng tiếc là Albert không thể cứu con ngựa của mình. Sau đó, anh bị vắt tấn công hút máu, thân thể tiều tụy, kiệt quệ trong rừng hoang.

Để thúc đẩy tiến độ công việc, Albert liên tục gửi mẫu búp, cành, hoa về Phú Thọ. Nâng cao sự hiểu biết giống Shan, anh gửi mẫu phân tích cho một chuyên gia Hà Lan ở Java, Indonesia và đặc biệt làm mẫu trà xanh, trà đen trao đổi cho một chuyên gia hàng đầu ở London. Quá đỗi bất ngờ, người này đáp lại với một niềm xúc động mạnh rằng: ” Không thể tin có loại trà nào có thể ngon đến như vậy!”

Lệnh từ Hà Nội, không được chậm trễ, bằng mọi cách nhanh chóng lựa chọn mẫu hạt, gây giống, trồng thí nghiệm vườn giống đầu tiên, thu về các loại giống ưu việt nhất.

Albert rong ruổi lên xuống khắp 64 ngọn núi khu vực Lào, Miến Điện, thành lập vườn giống có hơn 20,000 cây giống

Đột nhiên, giữa năm 1931, anh nhận được lệnh khẩn. Rất khó hiểu, vô lý, không liên quan! Rằng ngưng toàn bộ các hoạt động nghiên cứu, phá hủy sạch vườn giống, dỡ bỏ lều trại, quay về Hà Nội gấp. Tới Hà Nội, anh rơi vào hố sâu của thất vọng, sự im lặng ám ảnh nuốt chửng lấy anh. Không một lời giải thích tại sao, sau chừng ấy thời gian, công sức, đau thương anh đã trải qua và gặt hái. Albert cứu vãn hy vọng cuối cùng bằng cách đem về một ít hạt giống gửi tới B’Lao xây dựng vườn cây nông nghiệp. Sau 4-5 năm thử nghiệm, họ đã lai tạo thành công giống trà Shan Trấn Ninh (giống Shan búp trắng B’Lao – TB 14) lý tưởng cho điều kiện thời tiết ở B’Lao.

Hái trà trên đồi B’Lao

Trong 10 năm 1931-1941, sau khi rời Xieng Khouang, Albert không làm việc trong bộ phận nghiên cứu chuyên môn, anh chuyển qua vị trí quản lý tại Nhà máy đường Tuy Hòa, Phú Yên.

Đầu 1942, lại đột nhiên Albert nhận được một đề nghị là “Trở lại … Xieng Khouang, nhận lại…công việc như năm 1931, tìm giống trà Shan”.

“Chúa ơi! Cái quái gì đang diễn ra thế này! Các người bảo tôi cưỡi ngựa thời gian chìm trong đầm lầy năm nào về lại quá khứ hay sao?”

Điều đầu tiên, Albert hỏi tại sao hơn 10 năm trước lại yêu cầu anh phá hủy mọi thứ. Câu trả lời là loại trà từ giống cây anh gửi mẫu quá xuất sắc khiến Liên minh Anh – Hà Lan quan ngại việc nghiên cứu, nhân giống trà Shan trên nền diện tích Đông Dương rộng lớn, trù phú sẽ đe dọa nghiêm trọng vị thế số một nền công nghiệp trà của họ. Đưa ra một cuộc trao đổi, Anh – Hà Lan sẽ cung cấp nguồn dầu khai thác từ Borneo, Indonesia cho Pháp trong 10 năm với mức giá đặc biệt nếu Pháp ngừng nghiên cứu nhân giống trà Shan. Với tình hình lúc đó, ngài Bộ trưởng Nông Nghiệp Pháp không còn sự lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, 10 năm sau cùng với sự phức tạp của thế chiến thứ 2, cục diện thay đổi rất nhiều, Pháp “lại” cần các loại hạt giống trà Shan.

Sản xuất trà tại B’Lao

Và Albert mỉm cười tiết lộ, anh chưa từng làm theo lệnh cấp trên, chưa từng phá hủy vườn giống Xieng Khouang năm nào.

Albert quay lại Xieng Khouang, cùng niềm hạnh phúc lớn lao. Tuy nhiên, cảnh vật cây cối um tùm mọc hoang, hầu hết các cây bị chết do môi trường tự nhiên cạnh tranh, một số ít mọc lên tiếp tục sinh trưởng, dù không quá cao.

Việc nghiên cứu, lai tạo giống trà Shan tại Xieng Khouang tạo nền móng đầu tiên cho vườn giống B’Lao tiếp tục phát triền tìm ra giống trà thích ứng thời tiết, có sức kháng sâu bệnh.

Có thể nói rằng, không có trà Shan, không có giống Shan B’Lao búp trắng nổi tiếng (TB 14), không có vị thế trà Bảo Lộc sau này.

Đến năm 1975, có 15.000 ha canh tác các loại giống trà Shan tại B’Lao.