TRUYỆN TRONG LỊCH SỬ: NỀN MÓNG GIỐNG TRÀ SHAN Ở ĐÔNG DƯƠNG

Dựa vào số liệu, ngày tháng, thông tin chính xác từ nguồn chính thống trong kho tài liệu lịch sử Pháp. Nội dung và tình tiết được tường thuật lại qua sự hình dung của Nguyễn Thu Ngọc

Hơn một trăm năm về trước…..

Sau nhiều cuộc thám hiểm, khám phá Nam Trung Kỳ, cao nguyên Lâm Viên (hay còn gọi cao nguyên Lang Biang, cao nguyên Đà Lạt) là nơi khó thâm nhập nhất, đồng thời cũng là nơi người Pháp đặt nhiều tham vọng nhất trong khu vực. Cuối những năm 1920, chính quyền Pháp cho xây dựng con đường nối Sài Gòn lên cao nguyên Lâm Viên. Trong khi xây dựng, họ tình cờ phát hiện một hướng đi mới xuyên qua B’Lao – nơi thời tiết mát mẻ, ôn hòa lý tưởng cho việc canh tác, chăm sóc trà hơn so với một số tỉnh ở Tây Nguyên lúc bấy giờ, nhưng mặt khác B’Lao có độ ẩm khá cao, dễ sinh ra nấm gây bệnh phồng lá. Cách khắc phục khi ấy là tăng khoảng cách giữa các khóm bụi trà có vẻ không khả quan lắm, gây lãng phí diện tích, giảm sản lượng thu hoạch.

Trạm Nghiên Cứu Nông Lâm Nghiệp Phú Thọ do người Pháp thành lập, sau một thời gian ngắn nghiên cứu phát hiện giống trà Shan có khả năng chống chịu bệnh phồng lá rất tốt.

Trong một diễn biến khác, theo một nguồn tin xác đáng Trung Quốc thời nhà Thanh có rất nhiều người Trung Quốc, vốn có kiến thức sâu về các giống chủng trà, vượt nghìn trùng xa xôi tới Lào, Miến Điện mỗi dịp đầu xuân, tìm đến những ngọn núi cao nhất, ngay tại đó đốn thân cành xuống, nhặt hái những búp non, chế biến nguyên liệu tươi, sau đó trở về nước, sàng lọc và đóng thành phẩm. Loại trà này phủ lớp lông tơ tuyệt đẹp, mơ màng, chỉ ngoại hình thôi đã hút hồn ta ngay từ cái nhìn đầu tiên, hương vị thì chao ôi, thơm đến khác lạ đầy mê đắm. Những bậc vua chúa hay nhân vật quyền lực mới có cơ hội sở hữu, thưởng thức một trong những loại trà độc nhất vô nhị này.

Vì thế, người Pháp muốn tiến sâu về giống Shan tại Lào, sau đó nhân rộng ở B’Lao, tăng cường nền công nghiệp trà trên thế giới.

Tại Trạm Nghiên Cứu Nông Lâm Nghiệp Phú Thọ

1928, Robert Pasquier người đứng đầu Trạm Nghiên Cứu Nông Lâm đi Xieng Khouang (người Việt còn gọi tên Trấn Ninh), mua về mẫu hạt giống trình lên Nha Nông Chính Thời Pháp. Họ quyết định triển khai dự án nghiên cứu ở Lào ngay lập tức. Albert Marseille – một kỹ sư nông nghiệp – được phái đi Xieng Khouang chịu trách nhiệm trực tiếp nghiên cứu, khai thác cây chè Shan cổ thụ, mở vườn giống ngay tại bản địa. Albert sẽ được tiến tới vùng đất mẹ trà Shan, nắm trong tay cơ hội lớn nhất tiếp xúc đặc tính nguyên thủy chủng trà Shan. Anh có toàn quyền quyết định, hành động, thâm nhập lãnh địa này từ phía đông dưới chân Tây Tạng tiệm cận hướng ngược lên núi cao Miến Điện giáp ranh núi cao đất Lào. Anh sẽ thu thập mẫu các loại hạt giống, cây con, vẽ bản đồ hình thành cung đường cây trà cổ thụ.

Hãy tưởng tượng, nếu như hiện tại chúng ta du ngoạn dọc cung đường rừng núi trập trùng, khúc khuỷu, chinh phục những đỉnh núi, vách núi dựng ngược đất trời, sẽ thấy bản thân mình thật mạnh mẽ, thì hơn 100 năm trước, mọi thứ chẳng hề đơn giản là vượt qua chính mình mà là sự kiên gan, dũng cảm, liều mạng, bản lĩnh vượt rừng thiêng nước độc. Các loài hoang dã hổ báo, tê giác, rắn rết rình rập phập bất thình lình, côn trùng và các mối hiểm nguy gây bệnh giăng mắc khắp nơi. Tự lần mò sâu thẳm trong rừng nhờ hướng gió, mặt trời, la bàn theo kinh nghiệm tự thân. Thần chết kề bên sát cánh nở nụ cười, nháy mắt thường trực, cần cái xuất hiện liền.

Đây là cuộc thám hiểm đầy thử thách, gian nan, hứa hẹn máu đổ cắt thịt nhưng tuyệt vời tràn đầy tham vọng kéo dài từ 1929, 1930, 1931. Albert mất 15 ngày xuất phát từ Hà Nội chèo thuyền, ngồi xuồng theo dòng sông Cả qua Nghệ An – Hà Tĩnh cưỡi ngựa, cưỡi lừa xuyên dãy Trường Sơn qua Cánh Đồng Chum (Plain of Jars) tiến sâu vào Xieng Khouang.

Hái trà tại Xieng Khouang, Lào

“ Từ nước Pháp văn minh xa dần đô thị, tôi hòa vào rừng núi Đông Dương, tôi đã yêu cảnh vật tĩnh mịch, yên lặng của rừng núi một cách nhẹ nhàng, tự nhiên. Tôi nhìn thấy vẻ quyến rũ của rừng sâu rộng lớn, khám phá một thế giới phong phú, đa dạng các loài nhiệt đới ẩn sâu qua tầng lớp tán rừng. Từ đó trân trọng những niềm vui rất đỗi giản dị, sự chào đón nồng ấm, ngọt ngào từ người dân xứ xở này, họ sống bình yên rải rác từ thung lũng tới tận núi cao với nếp sống thuận theo tự nhiên, tự cung tự cấp thức ăn, vật dụng thiết yếu. Tôi hiểu được một nền văn hóa truyền thống khác, lắng nghe những câu chuyện cổ tích mộng mơ, cảm nhận một cuộc sống tràn đầy niềm tin Phật giáo thuần khiết. Cuộc đời tôi, đã thay đổi, theo một hướng tốt đẹp hơn rất nhiều”.

Albert tìm tới được hai dãy núi lớn là Phou Sang và Phou Kobow có nhiều mẫu cây trà cao lớn tầm 15-20m, tán cây mịt mù trong tầng mây trắng phủ núi cao. Dân cư chủ yếu là người Mèo, họ kiếm tiền chủ yếu từ cây anh túc, tập trung sinh sống ở độ cao 1500m-2000m so với mực nước biển, họ sợ cái nóng nực dưới chân núi.

Với tất cả nhiệt huyết, niềm tin, nỗ lực không ngừng nghỉ, vận dụng tất cả khả năng có thể, thậm chí có lúc tưởng chừng như bị đầm lầy nuốt chửng cả người lẫn ngựa theo nỗi tuyệt vọng tột cùng. May mắn thay, anh đã thoát chết ngoạn mục vào phút chót, đáng tiếc là Albert không thể cứu con ngựa của mình. Sau đó, anh bị vắt tấn công hút máu, thân thể tiều tụy, kiệt quệ trong rừng hoang.

Để thúc đẩy tiến độ công việc, Albert liên tục gửi mẫu búp, cành, hoa về Phú Thọ. Nâng cao sự hiểu biết giống Shan, anh gửi mẫu phân tích cho một chuyên gia Hà Lan ở Java, Indonesia và đặc biệt làm mẫu trà xanh, trà đen trao đổi cho một chuyên gia hàng đầu ở London. Quá đỗi bất ngờ, người này đáp lại với một niềm xúc động mạnh rằng: ” Không thể tin có loại trà nào có thể ngon đến như vậy!”

Lệnh từ Hà Nội, không được chậm trễ, bằng mọi cách nhanh chóng lựa chọn mẫu hạt, gây giống, trồng thí nghiệm vườn giống đầu tiên, thu về các loại giống ưu việt nhất.

Albert rong ruổi lên xuống khắp 64 ngọn núi khu vực Lào, Miến Điện, thành lập vườn giống có hơn 20,000 cây giống

Đột nhiên, giữa năm 1931, anh nhận được lệnh khẩn. Rất khó hiểu, vô lý, không liên quan! Rằng ngưng toàn bộ các hoạt động nghiên cứu, phá hủy sạch vườn giống, dỡ bỏ lều trại, quay về Hà Nội gấp. Tới Hà Nội, anh rơi vào hố sâu của thất vọng, sự im lặng ám ảnh nuốt chửng lấy anh. Không một lời giải thích tại sao, sau chừng ấy thời gian, công sức, đau thương anh đã trải qua và gặt hái. Albert cứu vãn hy vọng cuối cùng bằng cách đem về một ít hạt giống gửi tới B’Lao xây dựng vườn cây nông nghiệp. Sau 4-5 năm thử nghiệm, họ đã lai tạo thành công giống trà Shan Trấn Ninh (giống Shan búp trắng B’Lao – TB 14) lý tưởng cho điều kiện thời tiết ở B’Lao.

Hái trà trên đồi B’Lao

Trong 10 năm 1931-1941, sau khi rời Xieng Khouang, Albert không làm việc trong bộ phận nghiên cứu chuyên môn, anh chuyển qua vị trí quản lý tại Nhà máy đường Tuy Hòa, Phú Yên.

Đầu 1942, lại đột nhiên Albert nhận được một đề nghị là “Trở lại … Xieng Khouang, nhận lại…công việc như năm 1931, tìm giống trà Shan”.

“Chúa ơi! Cái quái gì đang diễn ra thế này! Các người bảo tôi cưỡi ngựa thời gian chìm trong đầm lầy năm nào về lại quá khứ hay sao?”

Điều đầu tiên, Albert hỏi tại sao hơn 10 năm trước lại yêu cầu anh phá hủy mọi thứ. Câu trả lời là loại trà từ giống cây anh gửi mẫu quá xuất sắc khiến Liên minh Anh – Hà Lan quan ngại việc nghiên cứu, nhân giống trà Shan trên nền diện tích Đông Dương rộng lớn, trù phú sẽ đe dọa nghiêm trọng vị thế số một nền công nghiệp trà của họ. Đưa ra một cuộc trao đổi, Anh – Hà Lan sẽ cung cấp nguồn dầu khai thác từ Borneo, Indonesia cho Pháp trong 10 năm với mức giá đặc biệt nếu Pháp ngừng nghiên cứu nhân giống trà Shan. Với tình hình lúc đó, ngài Bộ trưởng Nông Nghiệp Pháp không còn sự lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, 10 năm sau cùng với sự phức tạp của thế chiến thứ 2, cục diện thay đổi rất nhiều, Pháp “lại” cần các loại hạt giống trà Shan.

Sản xuất trà tại B’Lao

Và Albert mỉm cười tiết lộ, anh chưa từng làm theo lệnh cấp trên, chưa từng phá hủy vườn giống Xieng Khouang năm nào.

Albert quay lại Xieng Khouang, cùng niềm hạnh phúc lớn lao. Tuy nhiên, cảnh vật cây cối um tùm mọc hoang, hầu hết các cây bị chết do môi trường tự nhiên cạnh tranh, một số ít mọc lên tiếp tục sinh trưởng, dù không quá cao.

Việc nghiên cứu, lai tạo giống trà Shan tại Xieng Khouang tạo nền móng đầu tiên cho vườn giống B’Lao tiếp tục phát triền tìm ra giống trà thích ứng thời tiết, có sức kháng sâu bệnh.

Có thể nói rằng, không có trà Shan, không có giống Shan B’Lao búp trắng nổi tiếng (TB 14), không có vị thế trà Bảo Lộc sau này.

Đến năm 1975, có 15.000 ha canh tác các loại giống trà Shan tại B’Lao.