Mùa hè triền miên những ngày mưa

Một số tác động tiêu cực lên cây chè gần đây từ mối quan hệ cộng sinh rừng và cây chè dưới một góc nhìn hẹp qua những con đường tôi đi.

Mấy hôm nay Sài Gòn mưa rả rích cả ngày, buồn thối ruột thối gan tới mức những người chịu khó đi chơi nhất cũng phải ngồi nhà nhiều hơn.

Nhớ lại tuần vừa rồi gọi điện nói chuyện với mẹ, mẹ kêu mưa suốt ngày mấy ngày rồi. Ngạc nhiên, mới cuối tháng 7 còn kêu ồi ồi nắng phát sốt lên cơ mà. Mẹ tôi ở Lào Cai.

Hôm kia, thứ 4, cuộc điện thoại thăm thân từ Lũng Phìn, Hà Giang chia sẻ: “ Ngọc ơi buồn lắm, năm nay mất mùa chè vụ giữa rồi. Mưa nhiều lắm, ngày nào cũng mưa, chả kịp hái chè. Thôi phải đợi tới tháng 9 vậy”. Thì thôi cũng phải đợi chứ biết sao bây giờ! Mắt chớp chớp, nghĩ ngợi: “ Uống gì giờ nhỉ?”

Đầu tuần, gọi điện lên Mộc Châu, tình thương mến thương hỏi:” Vẻ đẹp Á Đông (Đông Phương mỹ nhân) sao rồi? Em ấy có sức khỏe không vậy? Chú trả lời:” Không, em yếu xìu, mưa suốt ngày, rầy xanh chắc buồn chả muốn cắn lá, làm sao nổi, không lên hương được”.  Sắp hết hè rồi mà chửa mót nổi cân nào. Ôi chao!

Chiều qua gọi lên Suối Giàng, Yên Bái buôn dưa tí, lại tâm sự: “ Chán lắm, mưa tối ngày. Nắng tí hái tí, chả bõ cân chè. Chả buồn làm”. Ôi, mưa !

Tối qua xem TV cập nhật tiếp tin lũ lớn ở Mù Cang Chải, Yên Bái, sạt lở, thiệt hại, mất tích, chết chóc…

Tháng 7 Hoàng Su Phì, Hà Giang cũng mưa nhiều, sụt lở nghiêm trọng.

Mưa nhiều, lá chè ngậm nước nhiều, sinh trưởng nhanh nên vị trà khá nhạt, làm trà ngon hạn chế ngày mưa. Vả lại đường trơn trượt, ướt át ai cũng ngại ra ngoài hơn, lấy đâu người hái chè.

Blog-32Mùa hè thì lúc nào chả mưa nhiều hơn, cái đó ai chả rõ, thế nhưng mưa nhiều tới mức sụt lở nghiêm trọng, mưa dồn dập một khu vực như vậy quả là bất thường. Mà cái thời tiết bất thường này xảy ra gần đây có tính đều đặn thường xuyên hơn do sự biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Cây chè vốn là loại cây sinh trưởng trong môi trường sinh thái đa loài (biodiversity) nên nó chịu ảnh hưởng trực tiếp mạnh mẽ từ hệ sinh vật xung quanh. Nếu hệ sinh thái các sinh vật nói chung, rừng cây nói riêng phát triển không đồng đều, nhẹ thì chất lượng sụt giảm, nặng hơn nữa thì mất mùa, có thể cây chè sẽ chết vì không còn khả năng chống đỡ trước sự tàn phá khốc liệt này. Tôi trước hết là người uống trà, rong ruổi trên những cung đường trà khắp nơi, chạm vào lá chè, sao trà để uống. Đã thấy quá trình biến đổi từ lá non trên cành chế biến thành cánh trà khô, đã thấy những mầm trà non vươn lên từ đất mẹ cho tới những cây già cỗi, chết dần chết mòn. Tôi cảm thấy xót xa mỗi khi biết tin năm nay trà bị sao.

Dọc con đường dài từ Bắc Quang, Vị Xuyên đi lên Hoàng Su Phì qua những nẻo đường uốn lượn quanh co nhìn xuống là thung lũng sâu hun hút. Ruộng bậc thang trải dài Tú Lệ, Mù Cang Chải lãng mạn nên thơ. Những con đường heo hút hòa trong mây trắng dẫn tới cổng trời ở Mường Khương, Bắc Hà tỉnh Lào Cai. Rồi Điện Biên, Lai Châu ở miền núi phía Bắc những ai đã từng đi qua đều phải trầm trồ trước vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên. Nhiều khi thẫn thờ, tôi tự hỏi sao tạo hóa kì diệu thế, sao lại đẹp thế này? Song bên cạnh đó tôi vẫn thấy xa xa là sườn núi trọc, trơ mình đất đá khô cằn từ vùng này cho tới vùng khác. Để canh tác trồng hoa màu, lương thực thì ít mà chặt phá không tái thiết thì nhiều. Thi thoảng thấy rừng xanh thăm thẳm khấp khởi như khoe với anh Dao anh Mông:

“ Ôi, nhiều cây nhỉ, thích nhỉ, chắc nhiều cây gỗ quý lắm!”.

Anh hồn nhiên nói:

” Gỗ quý chặt hết rồi, toàn gỗ loại 4, loại 5 thôi. Giờ mà kiếm gỗ làm nhà là chúng mình phải đi sâu vào trong rừng mới kiếm được”. Vâng, người vùng cao sinh tồn cùng rừng núi, họ chủ yếu làm nhà từ cột trụ gỗ, trát đất hay ke đá…

Hay ở Bắc Hà, tôi tò mò hỏi em, một chàng trai trẻ người Mông tốt nghiệp ĐH Nông Nghiệp Hà Nội:

” Tỉnh mình có dự án nào phủ lại rừng không em?”

“ Có chị ạ, nhưng trồng xong, bà con thả trâu bò, lợn gà chạy lung tung nó giẵm nát hết. Cũng không ai để ý nên trồng không hiệu quả lắm”: em nói.

Tôi nhớ năm 2009 lên Suối Giàng chơi. Một buổi tối, đang ngồi uống trà, một con xe Win phi từ ngoài đường xuyên thẳng vào trong sân sau, 2 vợ chồng phi như bay về phía chiếc xe, tò mò quá, như phim, tôi liền chạy theo, trong bóng tối nhá nhem, tôi thì thầm :

“Gì thế chị?”

“Gỗ về em ạ”: chị nói.

Vâng một khúc gỗ dài tầm 90cm, đường kính 35-40cm, nghe nói là 1 khúc gỗ quý lâu lâu mới có mà tôi chả để ý là cái thứ gỗ gì.

Năm 2017 tôi hỏi chị:

“Dạo này còn khúc gỗ quý như năm nào không chị?”

Chị trả lời: “ Làm gì có mấy em, giờ hết rồi”.

Vâng giờ hết rồi. Rừng cứ trơ trọi dần, mà nó trọi sẵn lâu rồi, sao chống đỡ nổi cơn lũ ống lũ quét bạo hành khắp nơi.

Đứng trước cảnh đình chùa cổ tĩnh lặng, mái cửa gỗ đục đẽo tỉ mỉ, hay những ngôi nhà gỗ đẹp, những tác phẩm nghệ thuật gỗ nào bàn ghế, phản, tượng đẹp nao lòng tôi thấy rất thích, thấy rung động bởi chúng rất mộc mạc thân thuộc với mình. Có điều bảo sở hữu những thứ như vậy thì hoàn toàn dửng dưng, nghe đàm luận đọ gỗ quý hiếm lại càng thấy xa lạ thậm chí phản cảm. Thôi thì việc ai người ấy cứ làm.

Rừng cứ trơ trọi dần –  gỗ to, gỗ quý, gỗ hiếm – lòng người vẫn cứ ham cứ mê – mẹ thiên nhiên quẫy đạp.

Trà ngon, uống sướng lắm! Lâu lâu trà kém ngon, ta cười, ta hiểu.

Leave a comment