Nếu bạn biết tới thuyết trôi dạt lục địa.

100 triệu năm trước, Trái Đất có 2 siêu lục địa phân tách nhau khá rõ ràng. Laurasia ở bán cầu phía Bắc bao gồm Việt Nam hiện nay thuộc mảng Á Âu và mảng Ấn Độ, Úc thuộc siêu lục địa Gondwana ở bán cầu phía Nam.

Trong 50 triệu năm tiếp theo, mảng Ấn Độ và mảng Úc tách ra khỏi Gondwana, Mảng Ấn theo hướng Bắc nhắm thẳng vào mảng Á Âu lao đến với tốc độ nhanh đáng kinh ngạc, Úc theo hướng Đông Bắc điềm tĩnh hơn.

45 – 50 triệu năm trước, sau một khoảng chạy nước rút, không hề mệt mỏi, không thắng phanh nào cản nổi, mảng Ấn Độ đâm xầm vào mảng Á Âu sừng sững, to lớn đứng đó hiên ngang đón nhận. Rầm, rầm! Kinh hoàng! Chấn động địa cầu. Phải tua nhanh chúng ta mới thấy thước phim dữ dội ấy.
Lịch sử dãy Himalaya huyền thoại, huy hoàng bắt đầu từ đây trải dài 50 triệu năm. Hai mảng lục địa va chạm mạnh mẽ không khoan nhượng. Khu vực tiếp giáp giữa 2 mảng này địa chất toàn đá cứng nên không bên nào chịu nhún nhường. Tiếp đó mảng Ấn Độ chưa dừng lại, lấn sâu vào trong đất liền. Rìa Bắc mảng Ấn Độ chui xuống phần cứng mảng Á Âu đẩy lên cao. Vỏ Trái Đất lồi lên, từng thớ đá, tảng đá ùn ùn leo thang dâng lên như hàng triệu quân lính tăng cường viện trợ liên tục, lan rộng khắp mọi nơi. Nhìn chếch phải là cao nguyên Thanh Tạng – mái nhà thế giới, ngoảnh lại sau bên trái là Sikim, Nepal.
Việt Nam chúng ta lúc đó vị trí khác xa bây giờ, dải chữ S quay trục ngang, miền Bắc nằm hướng Tây, miền Nam nằm hướng Đông. Miền Nam theo chuỗi phản ứng liên lục địa sau cú húc mạnh xoay theo chiều kim đồng hồ dần xuống hướng phía Nam. Một phần Phillipin lại gần hướng Đông Nam Á ngày nay hơn.
Hai mảng lục địa vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ùn ùn đẩy nhau lên cao, lên cao mãi, lên tới nóc nhà thế giới Everest. Từ đó thả tầm mắt bao quanh chỉ thấy núi non hùng vĩ, sừng sững trải dài mãi mãi không bao giờ thấy đường chân trời, miên man băng tuyết trắng trời lạnh giá. Nếu như cánh tay ta như siêu cánh chim bay thỏa thích từ dải Ấn Độ xuyên qua tới Thanh Tạng chắc sẽ rụng cánh lả đi mất thôi, bay mờ mắt bay sao nổi đây. Himalaya rộng lớn, bí ẩn, vĩ đại thăm thẳm.
Cú va chạm lịch sử kéo dài 50 triệu năm kết hợp yếu tố quan trọng là Nam Úc tách rời hẳn Nam Cực đã tác động to lớn tới cả Trái Đất của chúng ta. Thay đổi dòng chảy đại dương, tăng lượng oxy trong đại dương, thay đổi hướng gió, lượng mưa biến đổi. Mọi thứ không còn như xưa, như 100 triệu năm trước. Suốt quá trình, động vật lẫn thực vật từ hai lục địa giao thoa, òa vào nhau, phối ngẫu phát triển. Có nhiều loài cây, con vật tuyệt chủng vĩnh viễn, cũng có rất nhiều loài tiến hóa thích nghi môi trường mới, cũng có nhiều gương mặt sáng giá mới xuất hiện.

Thuyết được nhiều nhà khoa học nghiên cứu uy tín ủng hộ rằng cây chè lá lớn Assamica sinensis xuất hiện trước tiên. Từ chân dãy Himalaya trải dài xuống Đông Nam Á, hình thành địa hình lý tưởng cho cây chè này xuất hiện và sinh trưởng. Độ cao 1000-2500m so với mực nước biển, nhiệt độ thấp, không băng tuyết, không quá cao từ, lý tưởng ngưỡng 13C-28C, đất đá dễ thoát nước, đất tốt giàu mùn chứa nhiều thành phần hữu cơ, khí hậu 4 mùa cân đối không quá khắc nghiệt. Chính trong khu vực này, tại điểm vàng giữa Xishuangbana giáp Bắc Myanmar với bắc Lào được cho là khu vực cây chè xuất hiện đầu tiên trên Trái Đất. Khi đó chưa có khái niệm ranh giới quốc gia, nhuốm màu kinh tế, sắc tộc, chính trị. Sau triệu năm tiến hóa, hạt chè rụng xuống mọc lên cây mới, lặp lại chu kỳ ấy từ từ lan rộng dần.

23.000 năm trước, qua nhiều khảo sát, phân tách DNA chứng minh cây chè chính thức phân tách thành 2 giống chủng lớn: cây chè lá to (Camellia sinensis var. assamica) và cây chè lá nhỏ (Camellia sinensis var. sinensis) thông qua quá trình lan rộng, bản địa hóa thích ứng với môi trường khác biệt mới. Loài người trở nên thông minh hơn, những tộc người thiểu số bắt đầu sử dụng cây chè với mục đích khác nhau, họ đem hạt giống theo cuộc sống du canh, du cư qua nhiều thế hệ lan rộng theo nhiều hướng qua phía Nam Trung Quốc, men xuôi dòng chảy Mekong sâu vào Myanmar, Lào, xuống Thái Lan, đồng thời hắt qua Tây Bắc tràn mé Đông Bắc Việt Nam, theo một cách tự nhiên, trước khi lan rộng khắp thế giới trở thành một ngành công nghiệp thế mạnh.

Theo dòng chảy triệu triệu năm, mảng lục địa chưa ngừng nghỉ, vẫn tiếp tục lộ trình liên tục của mình. Mảng Úc điềm tĩnh theo hướng Đông Bắc gom Nhật Bản chạm Hàn sáp nhập vào Trung Quốc và Đông Nam Á, biển Đông thành biển nhỏ không còn là đại dương sau 50 triệu năm nữa. Cây chè sẽ tuyệt chủng, trước đó. Sau 75 triệu năm, toàn bộ bo lại nguyên khối, đất gặp đất, biển Đông biến mất. Việt Nam bé xíu co lại. Khí hậu thay đổi ghê gớm. Sau 225 triệu năm, 1 siêu lục địa khổng lồ hình thành, thời kỳ băng hà khủng khiếp xảy ra khắp nơi. Loài người tuyệt chủng.
Có một thực tế không thể chối cãi là không cần đợi lâu đến thế. Nếu tiếp tục cách sống – sản xuất như hiện tại không có sự điều chỉnh trước những biến đổi khí hậu nghiêm trọng trên hành tinh cộng với sự ô nhiễm rác thải. Con người chính thức bị xóa sổ trong vòng 150 năm tới . Sau đó hành tinh sẽ nhẹ nhàng tái tạo lại một cách tươi đẹp, không cần tới loài người. Tất nhiên các mảng lục địa vẫn mỉm cười chuyển động.