TRÊN ĐẤT HÀ GIANG: NGẬP TRÀN “ CHÈ VÀNG”, “ CHÈ PHƠI”

Trong phạm vi bài viết, tôi muốn đề cập tới “chè vàng và chè phơi” song chỉ khai thác, chế biến từ nguồn nguyên liệu cây chè (trà) cổ thụ cung cấp cho thị trường Trung Quốc.

Có thể coi Hà Giang – một tỉnh miền núi phía Bắc – là thủ phủ của trà cổ thụ Việt Nam từ lịch sử phát triển, buôn bán xa xưa cho tới hiện tại, khi giá trị cây trà cổ thụ ngày càng được công nhận rộng rãi hơn ở Việt Nam cũng như thế giới. Bởi ba yếu tố chính:

Độ bao phủ trà cổ thụ ở Hà Giang lớn nhất cả nước trải dài khắp các vùng cao từ nhiều xã, làng ở huyện Vị Xuyên lên trên cao khu vực dãy Tây Côn Lĩnh hùng vĩ (huyện Hoàng Su Phì) xuống thấp khu vực TP Hà Giang oằn mình ngược lên qua Yên Minh là khu vực cao nguyên đá Đồng Văn (huyện Đồng Văn). Cây chè không mọc đơn lẻ mà tập trung san sát liền nhau khắp các làng trải dài nối tiếp. Nói vui giống như người Hà Nội, Sài Gòn ra đường gặp xe máy.

DSC_5629 (1)Một phần do độ phân bố rộng lớn nhưng địa chất, địa hình lại có nhiều khác biệt như độ cao dao động từ 1000m – 2500m so với mực nước biển, đất đá thay đổi từ đất mềm, đất cứng, đất đá chín (đen, nặng). Thế nên trà cổ thụ Hà Giang có sự phong phú đa dạng ở hương và vị, mỗi vùng nguyên liệu đem lại một vẻ sắc màu riêng ấn tượng.

Có một ưu thế lớn về vùng nguyên liệu, ngày càng nhiều người, đơn vị sản xuất trà ở Hà Giang đang trên con đường sản xuất những sản phẩm trà chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh với các anh hào trên thế giới, nhiều chủng loại khác nhau như: trà trắng, xanh, đen, ủ men lâu năm ( tiêu biểu là Phổ Nhĩ)…

DSC_5631 (1)Thực tế ở Hà Giang, dòng trà đặc sản và chất lượng cao chiếm tỉ trọng khá khiêm tốn, xuất khẩu chính ngạch vẫn là trà đen, trà xanh. Một số ít xã có truyền thống làm trà xanh rất ngon. Ngoài ra đi theo đường tiểu ngạch qua Trung Quốc là “chè vàng” gần như là duy nhất, gần đây thêm “ chè phơi”. Tại sao lại như vậy?

Trước hết hãy tìm hiểu đây là trà gì? “Chè vàng” không  phải là trà vàng như cách người Trung Quốc phân loại. Đơn giản là 2 loại trà (chè) chế biến thô được gọi tên dựa trên phương thức chế biến, màu sắc của lá khô.

“Chè vàng”: nguyên liệu 1 búp 1-2-3-4-5-6 lá, tùy phân khúc giá mà nguyên liệu non hay già, từ vài chục tới vài trăm ngàn/kg thành phẩm.

Lá chè tươi –> Xào sơ –> Vò máy –> Phơi khô

Loại phổ thông đa phần các hộ dân, cơ sở nhỏ chế biến, yêu cầu máy móc thô sơ, đơn giản, khi phơi có nắng phơi nắng, không có nắng thì rải ra nền nhà nhiều ngày sẽ khô. Trên nền đất, nào chó mèo người đi lên, lăn lê, bò toài trên lá chè. Ôi thôi đủ các thể loại… đều được. Khi khô có thể lẫn vào một ít hôi, mốc, chua nhưng sản lượng mua không giới hạn, từ vài chục kg tới vài tấn, 10 – 50 tấn không bao giờ đủ. Sẽ có một vài đầu nậu thu gom “chè vàng” tại làng, rồi tập kết ở trung tâm huyện, từ đó chuyển lên gần vùng biên sang biên giới Trung Quốc. Trà này mang trạm cuối sản xuất sẽ được ủ đống qua một thời gian, phân loại đóng bánh làm trà Phổ Nhĩ chín, vì thế các mùi tạp ban đầu cũng được chuyển hóa khiến nhiều người uống chẳng còn nhân ra mùi hương nguyên thủy nữa.  Tôi thực sự e ngại cho ai uống phải Phổ Nhĩ chín từ loại “chè vàng” phổ thông này.

DSC_5698 (2)“Chè phơi”: nếu như “chè vàng” vốn được thu mua từ đôi ba chục năm trước, có vùng có lẽ là vài trăm năm, góp phần trong “con đường trà cổ” của Trung Hoa dẫn trà qua bên kia các châu lục, thì “chè phơi” mới chỉ được đặt và mua từ 3-4 năm nay, cũng là xuất sang Trung Quốc chung một lộ trình.

Lá chè tươi –> Xào sơ –> Phơi nắng  (Không có Vò máy)

Nguyên liệu cũng giống như “chè vàng” từ lá già tới lá non nhỏ, song yêu cầu bắt buộc phải phơi nắng, có lớp bạt rải rồi mới phơi lá chè ở trên đảm bảo độ vệ sinh tránh tối đa tạp chất. Cùng phẩm cấp nhưng cao hơn “chè vàng” vài chục nghìn/kg.  Khi thu mua, thương lái sẽ mở từng bao kiểm tra, pha 1 ấm để kiểm hàng, nếu pha ra nước vàng sáng, mùi nắng mới mua chứ không lấy ồ ạt qua loa. Nói vậy để biết người bán có thể lẫn chứ người mua không bao giờ lầm. Họ biết chính xác mình đang mua cái gì. Hiện tại tôi vẫn chưa biết rõ ràng họ mua “chè phơi” về làm thành sản phẩm trà gì, nhưng dựa trên cách chế biến có thể suy đoán họ sẽ làm 1 loại trà ủ men hay Phổ Nhĩ sống ngon nhóm ngọt nhẹ, ít chát hơn ( Phổ Nhĩ chỉ là 1 loại trong dòng trà ủ men lâu năm), thậm chí nếu kĩ thuật cao có thể ủ trà trắng lâu năm có hương vị mới mẻ hơn so với các dòng truyền thống thường thấy. Như một người Dao tiến bộ chịu khó đi thăm thú kể được qua Trung Quốc chơi, uống trà với mấy ông lái bên kia chỉ cho cái bánh hình chữ nhật cứng cứng là từ “chè phơi”  Việt Nam đấy. Có điều anh đọc không hiểu, toàn chữ Tàu.

DSC_5643 (2)Điểm sơ qua như vậy để thấy mặt bằng chung 2 loại trà này ở Hà Giang như thế nào. Những vùng có sản lượng lớn hầu như bà con mỗi hộ chỉ cần đầu tư một bom quay, một máy vò nhỏ là có thể tự sản xuất được “chè vàng và chè phơi”. Trừ những vùng heo hút, sản lượng thấp, chi phí thu mua tăng cao hay khu có doanh nghiệp chế biến lâu năm tạo thành truyền thống sản xuất thì việc thu mua này giảm xuống. Ví như xã Thượng Sơn có 4 thôn Trung Sơn, Khuổi Luông, Bó Đướt, Đán Khao làm trà thì cả 4 thôn đều chế biến “chè vàng và chè phơi” hết, rồi xã Phương Độ (TP Hà Giang) có 3 thôn Nà Thác, Khuổi My, Lùng Vai cũng vậy. Dọc đường ngược lên núi cao là những tấm bạt lớn trải dài hai bên, rồi trên tảng đá lớn, trên nóc nhà, dập dìu phơi trà cho nhanh khô. Đôi lúc họ cũng làm ít trà xanh để bán trong làng dùng uống hay có ai đặt riêng vài chục kg mới làm, nói chung rất ít. Hãy làm một phép tính để thấy rõ tại sao người dân làm rất nhiều 2 loại trà này.

Một bom (lồng quay) mini công suất 5kg/mẻ sao có thể cho khối lượng lá tươi vào 1 mẻ lần lượt như sau:

Trà xanh: 2-3kg.

“ Chè phơi”:  7-8kg

“ Chè vàng”: 20-23kg

Như vậy tương đương  1 mẻ “chè vàng” = 3 mẻ “chè phơi” = 6 mẻ trà xanh. Ngược lại thời gian hoàn thiện 4 mẻ vàng = 2,2 mẻ phơi = 1 mẻ xanh. Bởi trà xanh phải sao suốt canh lửa liên tục cả 1 tiếng/mẻ yêu cầu tập trung cao hơn, trong khi 2 loại kia 15 phút là xong, sau đó đem phơi không mất quá nhiều công sức. Vào thời điểm năng suất cao, một hộ 2 người chăm chỉ làm liên tục thay phiên 1 ngày đêm có thể làm được 1 tấn lá tươi “chè vàng”, ½ tấn lá tươi “chè phơi”, 180-200kg lá tươi trà xanh. Riêng “chè vàng” 1 tấn tươi lời được khoảng 3 triệu, cả vụ xuân thu về  30- 40 triệu. Thực sự đây là nguồn thu khá lớn đối với bà con vùng cao.

DSC_5663 (2)Rõ ràng như cầu 2 loại trà này cho thị trường Trung Quốc vô cùng lớn, tạo nên sức cạnh tranh tăng cao giá thành lá tươi. Bà con sở hữu cây chè tự thu hái bán được giá thành cao hơn, tự hưởng thành quả cây nông nghiệp trên đất của mình. Nhiều người tham gia sản xuất mang lại thu nhập, cải thiện đời sống bớt khó khăn. Khoảng mấy chục năm trước, họ chỉ bán lá chè tươi cho các nhà máy chè nhà nước với giá thấp hoặc làm trà xanh bán trong mỗi phiên họp chợ. Chúng ta không nên cực đoan chỉ trích thương lái Trung Quốc thu mua vô tội vạ, lũng đoạn giá thị trường. Vì nếu không được khai thác thì cây chè sẽ trở nên vô giá trị bị phá bỏ làm củi, thì thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều.

Bên cạnh lợi ích đem lại cho người dân cũng như vùng nguyên liệu, vẫn luôn tồn tại những mặt trái. Trước tiên nếu việc khai thác quá nhiều, tận thu thì chất lượng cây chè bị giảm xuống thậm chí yếu đi, chết cây. Giá nguyên liệu tươi cao thách thức những doanh nghiệp trẻ định hướng phân khúc trung, cao cấp đang tạo dựng thương hiệu trà Việt Nam trên bản đồ thế giới bởi sức ép, sự cạnh tranh khốc liệt trên nhiều phương diện. Về ngắn hạn thì bà con hưởng lợi nhưng dừng lại ở ngưỡng trang trải cuộc sống, song về dài hạn xảy ra cán cân bất hợp lý giữa vùng nguyên liệu – vùng tiêu thụ, đất nước mất đi nguồn thu thuế không hề nhỏ trong khi ở Trung Quốc họ thu về lợi nhuận khổng lồ, tôi muốn nhấn mạnh là khổng lồ so với những gì họ bỏ ra. Đối với thân phận chính mình, chúng ta mãi chỉ là kiếp đẻ thuê.

Đổi lại lợi ích tương xứng cho sản phẩm của mình, tự xây dựng sức mạnh, sức cạnh tranh của trà cổ thụ Việt Nam, chúng ta hôm nay và ngày mai phải làm gì để xoay chuyển. Điều này không hề dễ trả lời.

Chú thích: “chè vàng” và “ chè phơi” sử dụng nguyên bản từ địa phương .

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: