Một cây trà, một đời người
Trà bụi thấp canh tác theo hàng lối trong cánh đồng cần được chăm sóc, bổ xung dinh dưỡng để thu hoạch liên tục. Được chăm sóc tưới tiêu nên bụi trà mọc có thể mọc trên nhiều địa hình phong phú từ dễ tới khó. Sau năm năm trồng, người nông dân bắt đầu hái lá xum xuê, mười năm sau dang tay tự hào ôi những đứa con tuyệt vời của mình. Nhiều năm sau, người ta cần xen kẽ thay thể cây mới để duy trì sản lượng khai thác sản lượng đồng đều.
Trà cổ thụ sinh trưởng tự nhiên trên triền núi trùng điệp, mọc xen kẽ cách nhau vài mét, trên rừng những lá khô, xác động vật, côn trùng tự vun vưới tái tạo sức sống. Hơn nữa điều kiện tự nhiên mát mẻ giúp chống đỡ sâu bệnh. Ngoài ra, bà con khai thác theo mùa, sản lượng trung bình, không thúc áp đâm chồi bằng phương pháp phân bón, hóa học. Khi một người sinh ra đã thấy cây trà, hỏi ông bà họ chẳng biết mọc tự bao giờ, đến lúc già cỗi chết đi, cây trà vẫn đứng đó mỉm cười từ biệt. Con người là một mảng khối trong bức tranh lịch sử tồn tại đa sắc màu của cây trà nhưng chúng ta có thể hủy diệt bức tranh tự nhiên hùng vĩ này một cách dễ dàng.
Ở Văn Chấn, nghe kể trước đây có nhiều người mua gốc cây trà lớn, kẻ mang qua Trung Quốc, kẻ chở về miền xuôi. Trung Quốc thì tôi không biết nhưng miền xuôi là có thật, thậm chí miền biển Đà Nẵng người ta gánh về bốn cây trà cao tầm 10m trồng trong khuôn viên quán cà phê. Tự hỏi khí hậu ven biển như thế chả mấy chốc nó sẽ còm cõi chết dần. Nhiều tỉnh phía Bắc, người ta trưng cây trà như một chiến tích trong khu vườn hoành tráng của chủ nhân để tự hào, để mỗi khi uống trà ngắm nhìn cái cây này.
Xã Suối Giàng – Văn Chấn vốn nổi tiếng từ lâu, thu hút nhiều người yêu và kinh doanh trà tìm hiểu sản phẩm. Thậm chí một lượng mua lớn không giới hạn xuất đi Trung Quốc, Đài Loan ngày càng tăng theo từng năm khiến bà con ham khai thác quá mức, cây trà yếu dần không chống đỡ được bệnh tật dần mà thui chột tàn tạ héo hon.
Cao Bồ – Hà Giang trên trục đường nhỏ men sâu vào rừng có một cây nằm vất vưởng chắn ngang hóa ra mùa lũ chảy sạt xuống, một ông nào tìm cách chở về xuôi có điều xã không cho phép. Cũng tốt! Mà lâu chưa thấy xã dựng lên trồng lại. Chắc có nhiều cây quá rồi, chưa cần lắm.
Trên trục đường Yên Minh – Đồng Văn dọc cao nguyên đá, tôi phải ngạc nhiên trước sức sống bền bỉ, mãnh liệt của cây trà trên mảnh đất khắc nghiệt đầy kiêu bạc ấy. Và càng ngạc nhiên hơn khi biết vào thời Pháp thuộc có rất nhiều trà mọc rải rác khắp núi đồi nơi đây. Hái trà đem bán có giá hơn nhiều so với ngô, khoai, sắn. Sau này dân cư đông đúc dần, việc mua bán trà cũng chững lại, người ta đốn dần nhiều cây lớn thay thế trồng lương thực. Nhìn gốc chè mới mọc 20 năm tuổi nhỏ chừng một nửa cổ tay người con gái. Tôi ước giá được một lần đứng xung quanh mình trên cao nguyên đá, toàn cây trà cổ thụ. Cần mấy trăm năm nữa!
Qua Bắc Hà – Lao Cai vào Bản Liền, Tả Van Chư, tình hình khá giống với huyện Đồng Văn. Đã có rất nhiều trà mọc tự nhiên trước đây, vẫn thấy lác đác vài cây trà lớn sừng sững trên đồi đá xen kẽ cùng cây khác. Có vẻ Lao Cai chưa có truyền thống sản xuất trà cổ thụ như một số tỉnh lân cận khác, vậy là cây trà bị chặt để trồng ngô làm lương thực – nhu cầu thiết yếu để tồn tại hay trồng mận, mơ làm kinh tế. Không trách người dân được. Họ không cố tình giết đi một cây chưa đem lại giá trị tiền bạc, tinh thần gì cho bản thân, gia đình. Cây trà cũng là một cây như nhiều cây khác trong rừng bạt ngàn thôi.
Tới Mường Khương sau mùa Tết thăm rừng trà thấy con đường mở ra giúp bà con đi lại thuận tiện hơn nhiều. Chỉ có điều con đường nay xuyên qua rừng trà lớn, được biết máy xúc hạ xuống trên dưới 40 cây vứt đốt củi. Lào Cai làm đường nhanh thật, không ì ạch như nhiều nơi khác.
Xót xa nhất phải kể đến Chiêu Lầu Thi – Hồ Thầu. Bạn biết không? Đỉnh Chiêu Lầu Thi cao tới 2500m so với mực nước biển. Đây là một con số kỷ lục cho khu vực cận nhiệt đới để cây trà rất khó, rất khó có thể sống được. Phải mất mấy chục năm trôi qua, đường kính thân cây mới có thể lớn tầm 1-2mm. Theo trục đường lên đỉnh núi sẽ thấy sự thay đổi từ từ kì diệu của hệ sinh thái cây rừng tự nhiên, màu sắc phong phú nhuộm vàng, tím, đỏ hòa quyện nắng mặt trời rạng rỡ, trong lành, mát lịm. Ngay đỉnh núi, một vài cây trà hiên ngang thẳng đứng trên 10m hướng lên trời như chạm vào đỉnh cao thách thức. Việt Nam hay trên thế giới có rất ít nơi vươn tới ngưỡng này, nơi cây trà sinh tồn, đem lại sự suất sắc tuyệt đỉnh của chất lượng. Nhưng: có một đơn vị biết đến sự tồn tại của cây trà Chiêu Lầu Thi đặt mua Búp trà. Chỉ có điều họ ko nghĩ hay không quan tâm tới cách thức hái của người bản địa? Chặt ngang thân đổ xuống, nhặt hái búp từ thân mình sắp chết ấy. Một lần và chấm hết. Giờ cây trà còn lại một đoạn tun tủn, trơ trọi, từ đó lơ thơ mọc ra vài cọng xinh xắn. Sau này có thêm 1-2 đơn vị khai thác thêm trà nơi đây. Không biết bởi trà làm ra ngon quá hay muốn chinh phục đỉnh cao ! Chúng ta không một ai có thể chứng kiến một vẻ đẹp nguyên thủy của cây trà tại Chiêu Lầu Thi nữa rồi !
Dù vậy, tôi vẫn tràn đầy niềm tin vào tương lai chờ đợi cây trà cổ thụ phía trước. Những người yêu trà, hiểu trà đâu đó tiếp tục ươm mầm sự sống và hy vọng theo cách riêng của họ rải rác các vùng đất. Anh Tính từng làm mảng Nông nghiệp ở Đồng Văn đặc biệt yêu thích nét cá tính trà xanh Lũng Phìn không khỏi tiếc nuối trước việc đốn cây trà hàng chục năm về trước, chính anh đã vận động trồng lại những thế hệ mới từ hạt mầm ngay tại vùng đất này, trải qua 20 năm, những cây chè thấp lún phún vươn lên tuy nhỏ bé vẫn âm thầm tích lũy tinh hoa núi rừng cao nguyên đá mạnh mẽ đọng lại trong từng gân từng xớ lá. Tiếp nối anh, bà con giâm cành từng luống từ 5 năm trước bắt đầu thu hoạch từ đó diện tích bao phủ của trà ngày một tăng cao, người ta bắt đầu tìm tới vùng trà ngày một nhiều hơn. Xa xa ở Bắc Hà – Lào Cai, phòng Nông Nghiệp phát giống cây, hướng dẫn và khuyến khích trồng cây trà. Một điều tốt là trà mọc hoàn toàn tự nhiên, ko sử dụng phân bón, hương vị mộc mạc, dung dị. Nếu được chế biến trên nền tảng chuyên môn cao thì nguồn lực ắt sẽ phát huy hơn nữa.
Đi dọc những con đường huyện lị ở tỉnh Lào Cai, 5 năm trước nhìn đâu cũng thấy đồi rừng trọc lốc. Con người đã biết sợ. Hai ba năm gần đây rừng xanh đã dần trở lại, nào thông, keo, xoan đào phủ xanh bề mặt gần quốc lộ. Ước tính bao phủ rộng rãi hơn nữa thì lợi ích to lớn của công việc này sẽ đem lại sự an toàn nhất định cho con người vốn trước đây chính họ đã tự vứt bỏ. Ý thức và trách nhiệm dần lan tỏa đi khắp mọi nơi.
Nhiều người làm trà đã biết từ chối những đơn hàng trà 1 búp khổng lồ đem lại lợi nhuận tức thì bởi họ biết tận thu như vậy sớm muộn gì thì chính họ và nhiều gia đình khác cũng trắng tay. Họ biết ơn rừng trà nuôi sống gia đình họ, trân trọng sự gắn bó sinh tồn giữa loài người và lá trà và hơn hết là đã chót yêu vẻ đẹp của hương vị trà mất rồi.
Cây trà đã chết, sẽ hồi sinh, trong hình hài mới…